THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:11

Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ học sinh các dân tộc thiểu số

 

Huy động 100% HS đến trường

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện, được sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, Đề án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học tại các điểm trường có học sinh dân tộc rất ít người (DTIN) học tập được đầu tư xây dựng. Năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ em, học sinh DTIN được nâng lên. Trẻ em (TE), học sinh, sinh viên (HSSV) các DTIN được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt, được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt; tạo cơ hội cho TE, HS SV các DTIN được học tập với chất lượng ngày càng nâng cao, góp phần thực hiện công bằng trong giáo dục.

 

Học sinh các dân tộc rất ít người còn gặp nhiều khó khăn.

 

Tính đến hết tháng 10/2015, các địa phương đã xây dựng được 96 phòng học, 86 phòng công vụ giáo viên, đầu tư mua đồ dùng thiết bị dạy học cho các điểm trường tiểu học có học sinh DTIN từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo. “Các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác huy động học sinh đến trường, đặc biệt là trẻ mầm non dưới 5 tuổi. Nhiều dân tộc như Cờ Lao, Pu Péo, Bố Y, Cống, Si La, Brâu, Kon Tum đã huy động được 100% HS đến trường ở cả ba cấp học. Qua đó góp phần thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS ở các tỉnh có học sinh DTIN”, TS. Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục có học sinh DTIN, TS. Nghĩa cho biết, trong thời gian thực hiện Đề án, Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn một số tài liệu đặc thù hỗ trợ giáo viên và HS; tập huấn cho hơn 700 lượt giáo viên và cán bộ quản lý về phương pháp dạy học tích cực có ứng dụng công nghệ thông tin, tâm lý học sinh...

 5 năm, hỗ trợ trên 110 tỷ đồng

Để tiếp tục đạt được kết quả như Đề án, đồng thời giúp các đơn vị có thêm kinh nghiệm trong việc khắc phục tình trạng học sinh DTIN bỏ học, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đưa ra giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động HS đầu cấp và các em bỏ học ra trường, ra lớp. Trong các buổi họp cha mẹ HS, giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước như: Hỗ trợ học phí, sách giáo khoa, gạo và các chế độ liên quan khác, nhằm tạo điều kiện để học sinh DTIN học tập có hiệu quả.

 

Tại hội nghị, đa số ý kiến của lãnh đạo các sở đều có chung mong muốn, Chính phủ có chính sách bền vững hỗ trợ đặc biệt về học tập đối với TE, HSSV các DTIN sau năm 2015. Trong đó, mở rộng đối tượng đối với tất cả TE, HSSV con em đồng bào các DTIN, vì hầu hết cộng đồng các DTIN đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng thời, Bộ GD&ĐT nên tổ chức cho các tỉnh tham quan, học tập ở nước ngoài để tìm hiểu các mô hình giáo dục đặc thù vùng dân tộc của các nước.Trước kết quả đạt được từ Đề án cũng như mong muốn của các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS. Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 2123, tuy còn một số khó khăn và hạn chế, nhưng giáo dục đối với các DTIN đã cơ bản đạt được các mục tiêu theo lộ trình của Đề án đặt ra. Bộ GD&ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học tập đối với TE, HSSV DTIN theo quy định tại Quyết định 2123/QĐ-TTg cho đến khi có chính sách mới đối với các DTIN. Giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ học tập đối với TE, HSSV DTIN (bao gồm các dân tộc có số dân dưới 10.000 người theo quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016.

 

Trong  5 năm triển khai thực hiện Đề án, đã có 13.655 lượt trẻ em, HSSV dân tộc rất ít người được hưởng chính sách hỗ trợ. Trong đó, Hà Giang: 1.951 lượt em, Lai Châu: 8.085 lượt em, Lào Cai: 1.064 lượt em, Điện Biên: 1.239 lượt em, Nghệ An: 827 lượt em, Kon Tum: 489 lượt em. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 110 tỷ đồng.

CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh