THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:42

Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc

 

Làm đường giao thông ở huyện Simacai (Lào Cai).


Hơn 24.000 tỷ đồng thực hiện chính sách dân tộc

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết, nguồn lực được bố trí thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2011

-2015 do Ủy ban trực tiếp phụ trách là trên 24,57 nghìn tỷ đồng. Theo nhận định, các chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Cơ chế chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp mạnh cho địa phương, thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong xây dựng, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực; từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay. Ngân sách nhà nước tuy còn khó khăn nhưng vẫn  ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp với nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và địa phương để hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi. Việc triển khai thực hiện hệ thống chính sách dân tộc đã thu được những thành quả quan trọng, góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 của cả nước là 5,97% (giảm 5,79% so với năm 2011),  tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh hơn (bình quân 6-8%/năm). Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc được củng cố, kiện toàn và ngày càng phát huy hiệu quả. Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ cho tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 551 và đề xuất bổ sung thêm hợp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thụ hưởng chính sách.Theo dự kiến, Chương trình 135 giai đoạn này gồm 3 hợp phần: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở với nguồn vốn thực hiện là 39.400 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 27.780 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 11.620 tỷ đồng).

Đối với chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Dân tộc đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện theo địa bàn và đối tượng đang triển khai để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra và giải quyết hết đối tượng được thụ hưởng chính sách, nhằm giải quyết những khó khăn, bức xúc nhất hiện nay. Nguồn vốn thực hiện chính sách đặc thù giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến 56.918 tỷ đồng (nguồn vốn từ ngân sách Trung ương là 25.418 tỷ đồng, nguồn vốn cho vay là 31.500 tỷ đồng).

Ưu tiên nguồn lực đầu tư vùng tỷ lệ nghèo cao

Đánh giá trong thời gian qua, chính sách dân tộc đã được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được những kết quả khả quan. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, kết quả này thể hiện ở việc ban hành khá đầy đủ, toàn diện các chính sách trên các lĩnh vực, phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi (gần 180 văn bản từ cấp Chính phủ tới bộ, ngành), trong đó trọng điểm là các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc ít người. Các chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế- xã hội, trình độ dân trí được nâng lên, văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng vùng dân tộc miền núi vẫn là vùng còn hết sức khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm tỷ lệ 50%, cá biệt có nơi 60%, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bị chia cắt, cản trở chính tới sản xuất, tập quán sinh hoạt và tư duy sản xuất của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Việc triển khai chính sách dân tộc từ các cơ quan quản lý vẫn còn chồng chéo, trùng lắp nên phát huy hiệu quả chưa cao.

“Vẫn cần phải tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn tới. Chính sách giảm nghèo và các chính sách liên quan phải được sửa đổi theo hướng tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc ít người, “vùng trũng”.Trong thiết kế và thực thi chính sách thì không được huy động dân nghèo đóng góp tiền của. “Dân nghèo mà huy động thì huy động cái gì? Đối với vùng nghèo như vùng dân tộc thiểu số thì không được huy động dân đóng góp. Còn đã phân bổ nguồn lực thì phải phân bổ đủ cho vùng dân tộc”-Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài các chính sách lớn của Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc tổng hợp thêm các chính sách khác từ các nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA), từ các chương trình hỗ trợ kỹ thuật thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và tín dụng vào chính sách dân tộc để thực hiện thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm. Tiến hành rà soát các chính sách dân tộc hiện hành để bỏ những nội dung trùng lặp, xác định lại thứ tự ưu tiên đầu tư để tập trung ngân sách, cơ chế để thực hiện.

Việc phân bổ vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan nghiên cứu phân bổ cho các xã nghèo (nhất là ở vùng dân tộc miền núi) cao hơn mức hiện nay (hiện nay các xã nghèo được phân bổ vốn từ ngân sách gấp đôi các xã bình thường).

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ, ngành cần đánh giá kỹ hơn chính sách cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số để đạt hiệu quả thực chất trong nâng cao dân trí, tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.

Minh Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh