THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:13

Nông dân 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thể làm giàu từ cây lúa

 

Qua đánh giá sơ bộ kết quả triển khai mô hình vụ hè thu 2017 tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. Từ cán bộ khuyến nông, chính quyền địa phương, đến nông dân đều khẳng định tính vượt trội hơn hẳn của mô hình.

Áp dụng giải pháp bắt đầu là giảm lượng giống, từ 200 kg, thậm chí tới 300kg/ha xuống 80kg, khuyến khích sạ dưới 80 kg /ha, nông dân Dương Văn Sơn, ở ấp Hỏa Vàm, xã Thanh Yên A, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang cho biết: “Sạ thưa, cây lúa nở bụi nhanh, chồi to, lá cứng đứng thẳng, dù bị hạn vẫn phát triển tốt. Trước giờ quen sạ dày, nay yêu cầu sạ thưa chúng tôi cũng đắn đo, lo suốt một tuần sau sạ, nhưng qua 10 ngày thì thở phào, cây lúa phát triển qua mỗi đêm mỗi khác, đến 25 ngày thì mừng vì ngó qua thấy ăn đứt lúa bên ruộng ngoài mô hình”

 

Nông dân cùng các chuyên gia xuống thực tế mô hình


Tại xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, so sánh 2 ruộng lúa trong và ngoài mô hình đã trổ bông, ông Trần Văn Sơn, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long nhận định: “Ruộng trong mô hình gốc lúa sáng, thông thoáng, lá lúa đứng thẳng, bông lúa to, số hạt trên bông nhiều, trong khi ruộng bên ngoài mô hình gốc lúa tối, cây lúa ken dày đặc, lá mềm oặt, bông nhiều nhưng nhỏ và ngắn, số hạt trên bông ít, khả năng đổ ngã cao; thấy năng suất bên này cao hơn bên kia là cái chắc rồi”

Theo nhận định từ các chuyên gia, giảm giống sạ, tức giảm mật độ cây lúa sẽ giảm phân bón. Cây lúa cứng, không bị đổ ngã thì giảm được công cắt. Cây lúa cứng khỏe thì giảm sâu bênh phá hoại, tức là giảm phun thuốc BVTV, giảm công xịt thuốc, vừa giảm tác hại sức khỏe lại góp phần bảo vệ mội trường sinh thái…

 

Nông dân cùng nhau chia sẻ bí quyết thực hiện mô hình


GS.TS Mai Văn Quyền, Trưởng ban cố vấn chương trình thống kê thật chi tiết nếu thực hiện gói kỹ thuật của chương trình: toàn vùng sẽ giảm được 100 ngàn tấn thóc giống, 115.500 tấn Ure, rồi thuốc bảo vệ thực vật…/1vụ- những con số thành tiền không nhỏ, lại có ý nghĩa bảo vệ môi trường, trong khi mỗi ha vẫn cho lợi nhuận cao hơn 4,5 triệu đồng. Thực tế ở tỉnh Hậu Giang, bà con chỉ sạ 40 kg giống/ha, bón 50% lượng phân được chương trình khuyến cáo mà vẫn đạt năng suất 7,1 tấn thóc/ha, trong khi bên ngoài mô hình nông dân sạ gần 200 kg giống/ha, bón phân cao hơn 2 lần, xịt thuốc BVTV nhiều hơn mà chỉ thu về được 6,9 tấn thóc/ha”.

 

Các chuyên gia cùng nông dân so sánh 2 cây lúa giữa áp dụng mô hình và không áp dụng mô hình


Ông Nguyễn Thanh Phong, phó bí thư đảng ủy xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông cho biết: “Địa phương rất ủng hộ cách làm của Bình Điền, nó giúp sức thiết thực cho sản xuất lúa và công tác khuyến nông tại địa phương; nó còn tạo ra không khí sản xuất đoàn kết, phấn khởi trong cộng đồng. Bà con cùng nhau gieo sạ, bón phân, hàng tuần đi thăm đồng, không chỉ mấy hộ làm mô hình mà cả các hộ ngoài mô hình, cán bộ khuyến nông, như hôm nay có hơn 40 hộ tham gia.”

Thông qua hệ thống khuyến nông, chương trình sẽ chuyển tới nông dân toàn vùng Cẩm nang canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm những kiến thức kỹ thuật phổ thông, đã được đúc rút từ thực tiễn qua đủ các vụ sản xuất lúa trong năm, giúp nông dân dễ dàng áp dụng để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất, thu lời từ trên 50%, có thể làm giàu từ trồng lúa.

 

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh