THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:06

Huyện Cầu Kè (Trà Vinh): Thanh niên Khmer thoát nghèo từ học nghề

 

Lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề huyện Cầu Kè cho biết, thanh niên nông thôn trong huyện theo học nghề ngày càng đông. Những nghề thu hút họ theo học nhiều nhất là sữa chữa xe gắn máy, máy nổ, xây dựng, điện dân dụng, điện công nghiệp… Sau khóa học, các học viên được Trung tâm hướng dẫn lập dự án mở tiệm sửa chữa xe gắn máy, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa máy nổ, máy nông cụ và tạo điều kiện để học viên vay vốn ưu đãi theo chính sách dành cho hộ nghèo ở Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền 7 – 10  triệu đồng.

Nhờ đó nhiều học viên đã tự tạo được việc làm với thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Kim Sa Oanh xúc động kể: “Lần đầu tiên trong đời được cầm số tiền lớn ấy, tôi cứ ngỡ mình đang nằm mơ. Rồi tôi quyết định không về xã Hòa Ân nữa, mà tìm mướn một miếng đất mặt tiền quốc lộ 54, thuộc xã Châu Điền, ngay gần Trung tâm Dạy nghề huyện Cầu Kè, dựng lều, mua sắm đồ nghề mở cơ sở sửa xe và rửa xe gắn máy. Nhờ mật độ xe chạy trên quốc lộ 54 khá đông, nên cơ sở cũng luôn có việc làm, cuộc sống được cải thiện rõ rệt so với khi còn làm ruộng ở Hòa Ân”. Được học nghề một cách cơ bản, tay nghề ngày càng được nâng cao qua thực tế, cơ sở anh trở thành một địa chỉ có uy tín ở địa phương, nên khách hàng ngày một tìm đến đông hơn.

Nghề sữa chữa xe gắn máy là một trong những nghề thu hút nhiều thanh niên Khmer ở nông thôn theo học


Cũng giống hoàn cảnh của anh Kim Sa Oanh, bây giờ, nhiều sơ sở sữa chữa xe gắn máy, sữa chữa điện dân dụng, máy nổ ở địa phương được hình thành, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho nhiều thanh niên nông thôn. Đó là các anh Pha La, Chanh Tha, Săm Nang, đều là người Khmer và cũng đều là những cựu học viên của Trung tâm dạy nghề huyện Cầu Kè.

Các anh cho biết, từ ngày mở cơ sở công việc ổn định, thu nhập tăng cuộc sống không chỉ bớt thiếu thốn, mà còn dư được chút đỉnh phụ giúp gia đình, nên các anh vui lắm. Nhiều người trong số họ niềm vui còn được nhân lên gấp nhiều lần, bởi bây giờ không chỉ có được “ngôi nhà mơ ước”, mua sắm đầy đủ tiện nghi, mà còn giúp cho những người cùng cảnh ngộ có việc làm ổn định, có thu nhập để vươn lên thoát nghèo. Hiện nay sau khi trừ tiền thuê mặt bằng 1 triệu đồng/tháng và trả tiền công cho thợ khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, hai vợ chồng anh Kim Sa Oanh cũng còn tích lũy được một khoản để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô cơ sở của minh và nuôi các con ăn học.

Dẫn tôi đi thăm một số cơ sở của các học viên cũ trở về văn phòng, một lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề huyện Cầu Kè, cho biết hướng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn và người dân tộc (chủ yếu là Khmer) được Trung tâm tạo mọi điều kiện để các học viên sau khi qua đào tạo, đều có cơ hội tìm được việc làm tại các công ty, xí nghiệp ở các KCN, KCX ngoại tỉnh, hoặc tự tạo việc làm tại địa phương. Đối với những ai không có điều kiện, hoặc không muốn đi làm ăn xa quê, Trung tâm đều hướng dẫn họ lập dự án sản xuất, kinh doanh, mở cơ sở hành nghề để vay vốn đầu tư. Phần lớn số học viên này, đều tập trung mở những cơ sở hành nghề phù hợp và thiết thực ở địa phương, như: Sữa chữa xe gắn máy; sửa chữa máy nông cụ (máy cày, xới, gặt đâp liên hợp…và chăn nuôi heo.

Nhờ vào cách làm năng động này mà nhiều người đã không chỉ thoát nghèo, mà ngày càng làm ăn khấm khá dần lên và đều đã hoàn trả được vốn vay. Trường hợp anh Kim Sa Oanh là một ví dụ điển hình cho hướng đào tạo nghề và giải quyết việc làm mà Trung tâm đã, đang triển khai thực hiện. 

 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh