Những con số làm ấm lòng người đã ngã xuống vì Tổ quốc
- Người có công
- 19:20 - 18/07/2017
10 % dân số cả nước đang hưởng chính sách ưu đãi xã hội
Có thể nói, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, ngành LĐ-TB & XH đã không ngừng từng bước sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng ưu đãi xã hội liên tục được mở rộng. Chính sách của Nhà nước đã cơ bản đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước gồm 12 đối tượng và 5 nhóm chính sách.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà Mẹ VNAH tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (ảnh Anh Thắng)
Theo thống kê, tính đến nay cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công, chiếm 10% dân số cả nước, trong đó có gần 9.000 người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945; gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 111 nghìn người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị bắt tù đày; trên 127 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng; gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học là gần 312 nghìn người. Hiện có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm.
5 năm quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ
Trong 5 năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, chú trọng. Kết quả đã tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ (trong đó từ Lào về là 16.613 hài cốt; Campuchia 15.148 hài cốt). Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, chúng ta đã trả lại danh tính cho 3.423 danh tính liệt sĩ tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ.
Ông Nguyễn Thanh Long cháu ruột liệt sỹ Nguyễn Văn Thảo hy sinh 31/01/1968, quê Đông Anh, Hà Nội xúc động khi tìm được hài cốt chú mình sau 49 năm tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (ảnh Anh Thắng)
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được chủ động và đạt kết quả tích cực. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm: tượng đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống, như: Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, v.v.
Nhiều nghĩa trang đã được tôn tạo, tu bổ khang trang hơn để thân nhân liệt sỹ và nhân dân nhang khói, tri ân (ảnh Anh Thắng)
Đồng thời, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đã bố trí 11.568 tỷ đồng hỗ trợ trên 410 nghìn hộ gia đình chính sách người có công sửa chữa, xây dựng nhà ở mới. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển sâu rộng từ trung ương đến địa phương và đã đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái” của dân tộc ta bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thông qua việc xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, phong trào đăng ký và phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi,…
Rà soát hồ sơ NCC còn tồn đọng đã tạo ra một khâu đột phá mới
Với nguyên tắc “người có công phải được hưởng ưu đãi của Đảng và Nhà nước”, và trước thực tế việc còn tồn đọng khá lớn hồ sơ kê khai song chưa được xác nhận có công, nhất là 5.900 hồ sơ kê khai liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, năm 2016, Bộ LĐ -TB &XH đã chủ động tổ chức triển khai việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố, gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An và thành phố Đà Nẵng theo quy trình “cá biệt” với cách làm cởi mở, thông thoáng lấy cơ sở là nhân dân, là các bậc lão thành, dựa vào cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội với sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và công khai, minh bạch trong dân, trên các phương tiện thông tin dại chúng. Sau đó, có thêm 04 tỉnh: Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang xin áp dụng quy trình trên. Kết quả, đã xác nhận được 86 trường hợp người có công, bao gồm: 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp,18 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Trong đó, có trường hợp liệt sĩ Đặng Văn Tiết, sinh năm 1891, quê ở Long An (127 tuổi) đã hy sinh 75 năm.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung dự Lễ an táng hài cốt liệt sỹ tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (ảnh Anh Thắng)
Từ những kết quả này, căn cứ Nghị quyết 30, Nghị quyết 40 các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công, gồm 7 bước, giải quyết theo từng tình huống với yêu cầu xem xét thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu pháp luật, đồng thời vận dụng cụ thể đối với từng trường hợp, phù hợp hoàn cảnh cụ thể và công khai minh bạch.
Nhưng còn rất nhiều liệt sỹ chưa chưa xác định được danh tính để trả lại tên trên bia mộ (ảnh Anh Thắng)
Đến nay, toàn quốc đã xác nhận trên 2.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 bằng Tổ quốc ghi công, thẩm định trình Thủ tưởng Chính phủ công nhận 498 liệt sĩ và sẽ được công bố và trao Bằng Tổ quốc ghi công đúng vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liêt sĩ 27/7/2017. Kết quả trên đã mở ra cho chúng ta hướng đi phù hợp trong giải quyết tồn đọng, đây cũng là nén tâm nhang ý nghĩa nhất chúng ta dâng lên tri ân các liệt sĩ và thân nhân các liệt sĩ nhân 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Có thể nói, những kết quả trên đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội, nhất là đối với thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ và đối với các cựu chiến binh, những người đã chờ đợi rất nhiều năm để có ngày được chính thức đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công, tấm thẻ thương binh … để vơi đi nỗi đau và những mất mát khi mà chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm.
Tuy nhiên, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, đời sống một bộ phận người có công và thân nhân của họ còn khó khăn vì hiện vẫn còn trên 200 nghìn liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt để quy tập về nghĩa trang liệt sĩ, trên 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính... đang để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng người thân và mỗi chúng ta.