THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:42

Hội thảo lấy ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại TP. Hồ Chí Minh

Qua tổng kết 5 năm thi hành, doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc áp dụng các điều luật trong Bộ luật Lao động. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Ban soạn Bộ luật Lao động cần sớm được sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, làm thêm giờ, tuyển dụng và quản lý lao động nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn cho doanh nghiệp về lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước đòi hỏi của thực tiễn, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi toàn diện để đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 Chương, 221 Điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 Điều. Trong quá trình soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Quang cảnh buổi hội thảo.

 

Đại biểu quan tâm nhất về đề xuất giờ làm thêm

Trong sáng ngày 19/7, thảo luận về vấn đề Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt lên 400 giờ/năm thay vì 300 giờ/năm như hiện nay. Chị N. T. Thảo (đại diện Cty May mặc Bình Tân) nêu ý kiến: “Công ty chúng tôi hiện nay có trên 3.000 lao động chuyên về gia công, về vấn đề làm thêm giờ người lao động (NLĐ) họ rất muốn được tăng ca để có thêm tiền thu nhập trang trải cho cuộc sống. Nhưng tăng ca như thế nào, NLĐ nào được làm thêm giờ tăng ca là cả một vấn đề, bởi vì việc tăng ca liên tục thì chỉ có thời gian làm việc kéo dài còn năng suất sản xuất không có hiệu quả.

Theo tôi về vấn đề làm thêm giờ Bộ luật Lao động không nên tăng trên 300 giờ/năm mà nên quy định cụ thể, 1 ngày không quá 4 tiếng, 1 tuần không quá 12 tiếng để NLĐ đảm bảo sức khỏe làm việc đều đặn và đạt năng suất lao động. Về việc tăng ca cần tạo điều kiện để chính những người lao động có sự cạnh tranh lành mạnh với nhau. Như NLĐ làm việc tốt luôn đạt hiệu quả, năng suất cao thì mới được làm thêm giờ, nếu những NLĐ nào muốn được tăng ca để có thêm tiền thu nhập thì họ phải làm việc cạnh tranh với cá đồng nghiệp khác. Từ đó năng suất lao động tăng, thu nhập của NLĐ tăng lên, đời sống được nâng cao thì nền kinh tế nước nhà mới giàu mạnh”.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.


Đồng quan điểm với chị Thảo, anh T. T. Thông (đại diện Cty TNHH SaiLun Việt Nam) đóng góp ý kiến: “Việc giải quyết tăng thêm thu nhập cho NLĐ không phải là tăng giờ làm việc, mà cần phải tìm ra biện pháp giảm giờ làm tăng mức thu nhập cho họ. Riêng bản thân tôi thì không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm mà nên giữ nguyên khung giờ làm việc cũ. Bộ luật lao động nên đưa thẳng vào quy định, NLĐ làm việc chính thức không quá 44 giờ/ tuần. Việc NLĐ tăng ca nhiều sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe để ngày sau tiếp tục làm tốt công việc thì điều này dẫn đến thờ gian làm việc tăng nhưng năng suất hiệu quả không tăng.

Cũng tại hội thảo, đại diện Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ: “Chúng tôi đề xuất phương án, nên quy định giờ làm việc theo giờ của từng ngày, từng tuần thì số giờ làm thêm cũng nên quy định theo từng ngày và từng giờ mới hợp lý. Còn với hiện tại việc quy định thời gian làm việc theo ngày, tuần nhưng thời gian làm thêm tính theo tháng thì chưa hợp lý”.

Không đồng tình với quan điểm của chị Thảo, anh Thông, đa số đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt lên 400 giờ/năm thay vì 300 giờ/năm như hiện nay là cần thiết và phù hợp với nhu cầu của NLĐ.

Bày tỏ ý kiến của mình đại biểu T. V. Hiền (một doanh nghiêp trong KCN Tây Bắc Củ Chi) nêu quan điểm: “Tôi tán thành với việc tăng giờ làm thêm của NLĐ bởi vì đa số NLĐ họ đều có mong muốn được tăng ca để có thêm tiền thu nhập trang trãi cho cuộc sống. Thậm chí có nhiều NLĐ đã nghỉ việc qua công ty khác chỉ vì lý do nơi làm việc cũ không tăng ca hoặc tăng ca ít nên thu nhập thấp.

Mặt khác hiện nay dân số Việt Nam chúng ta đang có nguồn lao động trẻ, đa số NLĐ trẻ họ rất muốn có cuộc sống khá giả trước khi về già nên thường xuyên tranh thủ còn sức khỏe để tăng cường lao động sau này quá tuổi lao động có cuộc sống ổn định không phải thiếu thốn khó khăn. Chính vì điều này chúng ta nên tạo điều kiện cho NLĐ trẻ phát huy hết năng lực của họ. Vì vậy chúng tôi mong Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định sao cho hài hòa nhất giữa doanh nghiệp (người sử dụng lao động) và NLĐ”.

Tại buổi hội thảo có sự tham gia của chuyên gia Luật lao động Quốc tế.


Tại buổi hội thảo có sự tham gia của chuyên gia Luật lao động Quốc tế, theo ý kiến của các chuyên gia: “Ở mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực khác nhau thì có đặc thù công việc riêng. Nhưng dù ở lĩnh vực nào thì việc tăng giờ làm cũng không được vượt quá 9 hoặc 10 giờ mỗi ngày (bao gồm cả OT), Có một số trường hợp ngoại lệ thì thù lao họ nhận được phải đạt 125% so với thù lao giờ làm việc bình thường.

Công ước 47/1995 không đưa ra các quy định pháp lý, nhưng các nước cũng đều thông qua giờ làm việc của NLĐ không quá 48 tiếng/tuần”.

Nên dành cơ hội việc làm cho NLĐ trong nước.

Cũng tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm về việc sử dụng rất nhiều NLĐ là người nước ngoài. Anh Hiếu đại diện cho các doanh nghiệp bày tỏ quan điểm chung: “Về vấn đề sử dụng NLĐ là người nước ngoài chúng ta phải tìm cách nào đó hạn chế sử dụng người lao động nước ngoài vào làm việc quá nhiều tại Việt Nam, vì có những công việc NLĐ Việt Nam đều có thể làm được không nhất thiết phải dùng NLĐ nước ngoài. Có những lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc chân tay cũng không khác gì NLĐ Việt nam. Chúng ta phải tạo điều kiện cho NLĐ Việt Nam có việc làm, nếu cứ 1 lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc thì đồng nghĩa với việc 1 NLĐ Việt Nam không có việc làm. Chúng ta nên cân nhắc việc sử dụng NLĐ là người nước ngoài ở các lĩnh vực kỹ thuật cao những lĩnh vực công nghệ hiện đại mà NLĐ Việt Nam chưa thể đáp ứng được. NLĐ là người nước ngoài khi vào làm việc tại Việt Nam với tên gọi là chuyên gia và lao động kỹ thuật cần phải có bằng đại học trở lên”.

Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ- TB&XH) ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu.

 

Cũng đóng góp ý kiến về vấn đề sử dụng NLĐ là người nước ngoài, đại diện Sở LĐ- TB&XH Tiền Giang bày tỏ: “Về việc sử dụng NLĐ là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam chúng ta cần có cơ chế riêng, nhưng vẫn phải làm sao tạo điều kiện ưu tiên việc làm cho NLĐ trong nước trước. Nhiều công việc NLĐ trong nước có thể làm được và làm rất tốt nếu chúng ta tạo điều kiện và đào tạo trong một thời gian, không nhất thiết phải tuyển dụng NLĐ ở nước ngoài. Tính ra số tiền bỏ ra đào tạo NLĐ trong nước để làm việc ở vị trí thuê NLĐ ở nước ngoài rất ít so với số tiền chúng ta bỏ ra trả lương cho NLĐ nước ngoài.

Tôi cũng đề nghị việc các doanh nghiệp tuyển dụng quá nhiều người vào làm việc tại nhiều vị trí ở trong công ty phải đăng ký rõ ràng vị trí tuyển dụng, bằng cấp và giải trình lý do, chiến lược của công ty”.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ- TB&XH) ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ tiến hành họp bàn, để soạn thảo Bộ luật lao động phù hợp với thực tiễn nhất. 

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh