Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận hội trường dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
- Tây Y
- 01:23 - 12/06/2019
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sau phiên thảo luận, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của đại biểu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Trước đó, vào sáng ngày 29/5, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội đã dành toàn bộ thời gian để thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Và việc gia nhập Công ước số 98 của ILO.
Tại thảo luận tổ, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ về một số vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm như: việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm giờ tối đa; các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; về thời gian nghỉ tết âm lịch; về bổ sung ngày nghỉ lễ vào Ngày thương binh, liệt sĩ; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Đáng chú ý, các đại biểu nhất trí cao với phương án 1 điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; bày tỏ sự đồng thuận về việc cần thiết phải tăng giờ làm thêm.
Việc sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.
Theo chương trình làm việc của Quốc hội vào ngày mai, mở đầu phiên làm việc buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (nếu có).
Tiếp đến, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu: Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình của Chủ tịch Quốc hội về dự kiến danh sách thành viên Ban kiểm phiếu; Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu; Trưởng Ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu.
Sau đó, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Trưởng Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tiếp theo, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).