CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Hồi sinh từng tấc đất nơi “túi bom” Quảng Bình

Hoàng Thị Mai Chi (sinh năm 1984) là cán bộ Đội Liên lạc Cộng đồng, Nhóm cố vấn bom mìn của Anh (thuộc Tổ chức MAG). Gặp chúng tôi vào dịp tháng 7 vừa qua, trong câu chuyện của mình, Mai Chi nhắc nhiều đến những trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra do bom mìn sau chiến tranh. Một trong những câu chuyện thương tâm xảy ra vào ngày 23/10/2013, tại sân trường Trung học cơ sở Lê Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), trong giờ ra chơi có hai học sinh lớp 8 mang ra một kíp đạn nhặt được và chơi nghịch với nó. Không may, kíp đạn phát nổ làm một học sinh tử vong, một học sinh khác bị thương nặng. Vụ nổ đã làm giáo viên, học sinh và cả những phụ huynh ở đây bàng hoàng, sửng sốt trước hậu quả vô cùng thương tâm.

Nhận thức được những nguy hiểm đang rình rập người dân quê mình, thấy được ý nghĩa hoạt động của tổ chức MAG, Mai Chi đã tình nguyện tham gia và gắn bó với tổ chức gần 7 năm qua. Cô cùng đồng nghiệp đã có mặt tại những xã vùng sâu, vùng xa, bất kể ngày nắng cũng như khi mưa bão, mong đem đến bình an cho người dân. Mai Chi cho hay, Đội liên lạc cộng đồng có trách nhiệm đến từng nhà dân, tìm hiểu về những khu vực nguy hiểm, vẽ lại bản đồ, xác định vật liệu nổ và đánh dấu lại vị trí để chuyển cho đội kỹ thuật rà phá bom mìn tiến hành tìm kiếm, tháo dỡ đưa về khu vực tập kết trước khi đưa đi tiêu hủy.

Nỗ lực trả lại sự sống cho những “vùng đất chết” tại Quảng Bình.  

 

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có tất cả 159 xã bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích bị ô nhiễm lên tới gần 225.000 ha, chiếm hơn 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên cả nước. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn đã xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, làm chết 49 người và bị thương 115 người; trong đó, tai nạn bom mìn đối với trẻ em chiếm tỷ lệ 21% trong tổng số vụ tai nạn bom mìn. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa được tiếp cận các thông tin, cách phòng tránh bom mìn trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất. Hằng ngày, hằng giờ, những nạn nhân mới của bom đạn vẫn không ngừng xuất hiện. Nỗi đau trong và sau chiến tranh dường như vẫn còn nguyên vẹn và ám ảnh bao thế hệ người dân Quảng Bình.

Ông Sean Wetherill, Giám đốc điều hành kỹ thuật của MAG tại Quảng Bình cho biết: Dự án MAG bắt đầu thực hiện tại Quảng Bình từ năm 2003. Trong số ba tỉnh thực hiện dự án, so với Quảng Trị và Quảng Nam, Quảng Bình được đánh giá là địa bàn còn tồn dư nhiều bom mìn nên MAG dành sự quan tâm đặc biệt với nguồn hỗ trợ 1,8 triệu USD cho hoạt động tại đây. Những năm qua, MAG đã tiến hành kiểm tra, xử lý và rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh từ khắp thành phố Đồng Hới đến các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa... với mong muốn giảm tối đa thiệt hại cho người dân, đem đến sự bình yên cho vùng quê này.Cùng với sự chung tay góp sức của các tổ chức phi Chính phủ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, chính quyền địa phương nơi đây cũng đang nỗ lực hết sức mình mang lại màu xanh và bình yên cho quê hương. Nhiều năm qua, những cán bộ chuyên trách với nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh thuộc Trung đội công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã gắn bó mật thiết với nhân dân, cùng đồng hành với tổ chức MAG. Đơn vị đã tham mưu, quan lý và chỉ đạo, cung cấp thông tin, phối hợp với các đơn vị, tổ chức nhiều đợt thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại. Từ năm 2006 đến nay, tổng diện tích đất Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình thực hiện dò tìm, xử lý là gần 4.000 ha; thu hồi được hơn 51.000 bom đạn và vật nổ các loại.

 

Qua hơn 10 năm có mặt tại Quảng Bình, MAG đã rà phá bom mìn trên gần 2 triệu m2 đất; tìm được gần 73.000 bom, đạn, vật liệu nổ; hơn 1,3 triệu người được hưởng lợi từ dự án. Những nơi MAG từng đi qua, ở đó các cơ sở an sinh xã hội như trường học, trạm y tế, khu dân cư, các công trình văn hóa và nhiều hoạt động phúc lợi khác có điều kiện được xây dựng và thực hiện trên mảnh đất an toàn; người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế...  

Phương Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh