THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:47

Đánh giá mở rộng đối tượng thụ hưởng và ngành, nghề đào tạo

 

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Phó Tổng Cục trưởng TCDN Cao Văn Sâm; đại diện APEFE, OIF, Bộ Lao động và Dạy nghề Vương quốc Campuchia, Bộ Giáo dục và thể thao Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

 

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự hội nghị.

 

Hội nghị đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hợp tác đa phương giữa các quốc gia. Thông qua Hội nghị, các nước tham gia dự án sẽ báo cáo tình hình triển khai, kết quả đạt được, khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện và khuyến nghị, đề xuất để duy trì, phát triển thành quả của dự án.

Từ năm 2011 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng  cục Dạy nghề và Bộ GD&ĐT được Tổ chức thúc đẩy giáo dục và đào tạo ở nước ngoài của Bỉ (APEFE), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Wallonie-Bruxelles (WBI) hỗ trợ tham gia Chương trình REG 100 nhằm “Tăng cường sự tương thích giữa đào tạo và việc làm ở Việt Nam, Lào và Campuchia thông qua việc áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên năng lực (APC)” cùng với các đối tác khác là Bộ GD&ĐT Việt Nam, Bộ Lao động và Dạy nghề Vương quốc Campuchia, Bộ Giáo dục và thể thao Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Để thực hiện được mục tiêu trên, các hoạt động chính của Chương trình tập trung vào chuyển giao công nghệ đào tạo, tập huấn về phương pháp đào tạo tiếp cận năng lực APC cho giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề thuộc các trường thụ hưởng dự án; chuyển giao phương pháp xây dựng chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực APC; theo dõi học sinh, sinh viên sau khi ra trường để phân tích kết quả, tác động của dự án; thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm, cái “cốt” của Chương trình REG100 là phương pháp đào tạo tiếp cận năng lực APC. Dự án đã góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm của người học sau khi tốt nghiệp, hình ảnh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp vì thế cũng được nâng cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí khẳng định: Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới mục tiêu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội nghị có ý nghĩa quan trọng.

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí cũng đánh giá cao mục tiêu cũng như kết quả đã đạt được của dự án và nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia, hợp tác tích cực và sẽ tiếp tục cùng các quốc gia thành viên thúc đẩy, duy trì và phát triển những thành quả mà dự án đã đạt được. Đặc biệt, tiếp tục phổ biến nhân rộng công nghệ đào tạo và phương pháp đào tạo tiếp cận năng lực APC cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, kêu gọi các nước thành viên, trong đó có Việt Nam cần có kế hoạch và nỗ lực huy động mọi nguồn lực, nhằm triển khai có hiệu quả các kết quả đã được chuyển giao; tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các Bộ của Việt Nam, Lào và Campuchia bày tỏ mong muốn, APEFE và OIF tiếp tục hỗ trợ các nước trong việc duy trì và phát triển thành quả của dự án, mở rộng đối tượng thụ hưởng và ngành, nghề đào tạo./.

THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh