THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:28

Hoàn thiện xây dựng Chương trình giảm nghèo 2016-2020

Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững nhận định, công tác giảm nghèo thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các hộ nghèo  cả nước đều đã được tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%, có nơi 7-8%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên vẫn còn cao so với cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền  bên lề cuộc họp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, năm 2014, mặc dù kinh tế  đất nước còn khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn đảm bảo bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách ưu đãi như: Giáo dục-đào tạo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo... Tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34.700 tỷ đồng, riêng ngân sách Trung ương bố trí 6.242 tỷ đồng. Với kinh phí được bố trí, các tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các dự án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Cũng trong năm 2014, các địa phương nghèo đã thu hút được 467 cán bộ, và hơn 1.000 trí thức trẻ tình nguyện đến công tác. Đến nay, các trí thức trẻ tình nguyện và cán bộ về các huyện nghèo đã thích nghi với môi trường làm việc, có nhiều đóng góp trong việc thực hiện, triển khai các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo bền vững. Tổng hợp chung, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 5,6% (cuối năm 2013 còn 7,8%). Tại các huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm.

Đánh giá về các chính sách giảm nghèo hiện hành, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Hệ thống văn bản, chính sách giảm nghèo được ban hành đã đi vào cuộc sống. Số lượng hộ nghèo giảm, nhưng phạm vi các chính sách ngày càng rộng hơn, mức hỗ trợ tăng cao hơn. Năm 2015, sau khi chuẩn nghèo được công bố, sẽ hỗ trợ mang tính toàn diện hơn cho người nghèo, vùng nghèo theo hướng bền vững.

Hiện, qua rà soát các chính sách giảm nghèo cho thấy việc hoạch định chính sách còn nhiều bất cập. Hầu hết các giải pháp để thực hiện chính sách giảm nghèo được đề xuất và thiết kế ở cấp quốc gia. Trong khi đó, các hoạt động giảm nghèo đều được thực hiện ở cấp cơ sở thôn, bản. Nhiều chính sách giảm nghèo được ban hành từ trước chưa căn cứ đầy đủ và khả năng đảm bảo các nguồn lực, nhu cầu giảm nghèo được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của từng lĩnh vực, từng địa bàn phù hợp với nguồn lực... Sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo là một thực tế và đang trở thành một nhân tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị các bộ, ngành liên quan cần rà soát lại các chính sách để nâng cao tính hiệu quả của công tác giảm nghèo. Giảm bớt các chính sách “cho không”, nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo để họ có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, loại bỏ tính ỷ lại, trông chờ từ Nhà nước. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo khắc phục những hạn chế của công tác giảm nghèo, giữ tốc độ giảm nghèo của cả nước năm 2015 là 2%, hạ tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bộ, ngành phải ưu tiên tập trung cao độ cả về chính sách và nguồn lực cho những vùng trọng điểm có tỷ lệ hộ nghèo cao, hướng theo việc giảm nghèo đa chiều, bền vững, dựa vào hỗ trợ của cộng đồng, xã hội”. Phó Thủ tướng gợi ý: Có thể thiết kế chính sách cho vay không cần lãi suất sẽ tốt hơn việc “cho không”, hoặc là lãi suất rất “nhẹ” với thời gian vay dài hơi hơn, để tạo động lực cho người nghèo vươn lên, phát triển sản xuất.

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh