Việt Nam là hình mẫu của thế giới về giảm nghèo
- Tây Y
- 15:33 - 01/01/2015
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam: Việt Nam đã đạt hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ Tại hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) về phát triển bền vững (Rio+20) diễn ra tại thành phố Rio De Janeiro (Brazil) tháng 6/2014, nguyên thủ các nước đã đưa ra các cam kết định hình, phê chuẩn các khuôn khổ chính sách và chiến lược mới thúc đẩy thịnh vượng, giảm đói nghèo, tăng cường bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường, thiết lập các nguyên tắc phát triển bền vững và phổ quát toàn cầu. Hội nghị Rio+20 cung cấp một diễn đàn tuyệt vời, Việt Nam đã cho thế giới thấy những thành công trong 20 năm qua đối với việc xóa đói giảm nghèo, đạt được hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đưa ra các cam kết chính trị mạnh mẽ với vấn đề biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, đề ra chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như chiến lược Tăng trưởng Xanh. Bên lề sự kiện nêu trên, bình luận về tiến độ hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ ở Việt Nam, bà Pratibha Mehta nói: “Việt Nam là một trong những quốc gia đã làm rất tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Nếu so sánh những tiến bộ mà Việt Nam đạt được với nhiều nước khác trên thế giới, số người thoát nghèo ở Việt Nam còn lớn hơn rất nhiều lần. Tiến bộ của Việt Nam cần phải được giới thiệu với cộng đồng thế giới”. Bà Pratibha Mehta cũng nhận định, không nhiều quốc gia đã đề ra được một chiến lược Tăng trưởng Xanh như Việt Nam đã làm được. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam chia sẻ với thế giới một số kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình, ví dụ như làm thế nào để xóa đói giảm nghèo bền vững. |
Chính sách hợp lòng dân
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 là một nội dung giám sát của Quốc hội trong năm 2014. Kết quả giám sát này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo bằng một báo cáo dài 35 trang, trong đó khẳng định giảm nghèo là chính sách hiệu quả, hợp lòng dân.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2005-2012, công tác giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới, chuẩn nghèo thay đổi 2 lần, tạo điều kiện nâng cao mức sống của hộ nghèo; cơ bản không còn hộ thiếu đói kinh niên; tình trạng nghèo từ diện rộng cả nước thu hẹp lại chỉ còn ở vùng miền núi, vùng ĐBKK, trong một số nhóm dân cư... chất lượng giảm nghèo chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015), tương ứng với khoảng 2,1 triệu hộ nghèo...
Việc giảm nghèo được thực hiện thành công là nhờ Đảng, Nhà nước ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ hiệu quả và sự tham gia thực hiện tích cực của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội.
Trong đó, các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội với 15 chương trình tín dụng dành cho người nghèo với mức lãi suất ưu đãi là một trong những chính sách đạt hiệu quả thiết thực nhất.
Là công cụ chính của Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Ngân hàng Chính sách đã có nhiều nỗ lực trong huy động, tạo nguồn vốn, đến nay tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tăng gần 8 lần so với những năm mới thành lập. Tổng dư nợ đến hết năm 2012 tăng gấp 6,2 lần so với năm 2005 (đạt 113.921 tỷ đồng).
Nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả
Bên cạnh chính sách tín dụng ưu đãi trực tiếp cho người nghèo, Chính phủ cũng thực hiện một loạt giải pháp dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo hiệu quả. Giai đoạn 2006-2010 ước tính có khoảng 150.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí (đạt 100% kế hoạch), 60% số lao động này đã tự tạo được việc làm hoặc tìm được việc làm.
Việc đảm bảo chăm sóc y tế cho người nghèo ngày càng thiết thực. Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, 70% cho người cận nghèo. Từ 2006 - 2010 có 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; năm 2011-2012 có 29 triệu lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đến 2012, 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được mua thẻ bảo hiểm y tế (khoảng trên 15 triệu người).
Với chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình, khuyến nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng mô hình giảm nghèo đã có 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn (đạt 88% kế hoạch), xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với trên 3 triệu lượt người nghèo tham gia. Đã có 218 xã thuộc 35 tỉnh triển khai các mô hình giảm nghèo với hơn 27.500 hộ tham gia (trong đó hộ nghèo chiếm 77%, 21.300 hộ).
Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách khác liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất canh tác cho người nghèo, chính sách giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ thông tin... Bên cạnh đó, nhiều chính sách đặc thù cũng được ban hành để áp dụng giảm nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn...
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm trong chuyến đi thực tế kiểm tra, giám sát Chương trình tín dụng hộ nghèo tại 2 xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). |
Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 7, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020”, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-QH 13 về Đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015 thông qua việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều; ưu tiên các chính sách đối với những địa bàn khó khăn nhất, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ giống cây trồng cho đồng bào theo Chương trình 30a ở huyện Phong Thổ (Lai Châu). |
Với những kết quả đạt được, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là 1 trong 38 quốc gia có thành tích nổi bật về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao Bằng khen của Tổ chức Nông Lương (FAO) về xóa đói giảm nghèo và chứng nhận việc sớm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ.
Thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13; Bộ LĐ-TB&XH - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo Trung ương đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Theo đó, trong năm 2014 giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn khoảng 5,8% - 6%, giảm khoảng 1,8- 2% so với cuối năm 2013, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 4%. Năm 2015, đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 8/11/2011 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn dưới 5%, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%. Kế hoạch hành động này cũng đặt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016-2020) của Quốc hội, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. |