THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:34

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: “Chính sách về giảm nghèo đang - phát huy tác dụng tốt”

Dù khó khăn, nguồn lực dành cho giảm nghèo luôn đảm bảo

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, trong những năm qua dù kinh tế đất nước khó khăn, nhiều chính sách phải cắt giảm, nhưng riêng nguồn lực cho giảm nghèo không giảm mà còn tăng. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2008-2012 nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 90.000 tỷ đồng/năm thì chỉ 3 năm sau Đại hội XI của Đảng (từ 2011-2013) nguồn lực dành cho công tác nghèo tăng lên khoảng 120.000 tỷ đồng/năm. Điều này khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền

Để tạo các bước đột phá trong công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Những chính sách giảm nghèo hiện tại sẽ được điều chỉnh phù hợp, xác định đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất để hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo; tăng nguồn lực từ vay tín dụng thay cho hỗ trợ trực tiếp; có chính sách mới cho đối tượng là các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.Về định hướng đến năm 2015 cơ bản hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho khoảng 500.000 hộ nghèo(theo chuẩn nghèo hiện tại), Bộ trưởng cho biết cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hơn 500.000 hộ nghèo, xóa nhà tranh tre, tạm bợ, tính đến cuối năm 2013, các địa phương trong cả nước đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ, trong đó có 224.000 hộ là đồng bào DTTS.Bộ trưởng cho biết: “Đây được đánh giá là chương trình có hiệu quả, hợp lòng dân do chính sách hợp lý, huy động được các nguồn hỗ trợ nên quy mô, chất lượng nhà ở được bảo đảm, giúp hộ nghèo có cuộc sống ổn định hơn”.

Minh bạch chính sách hỗ trợ hộ nghèo

Liên quan đến việc thực hiện nhóm chính sách hộ nghèo vùng dân tộc miền núi và mức hỗ trợ hộ nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Chính sách giảm nghèo không phải là chính sách trợ cấp xã hội, không phải tất cả hộ nghèo đều được hỗ trợ như nhau, mà tùy theo đối tượng cụ thể để hỗ trợ như: Chính sách khám chữa bệnh thông qua cấp thẻ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo... Chính phủ đã có nghị định quy định đối tượng HS-SV được vay vốn tín dụng trang trải chi phí trong quá trình học tập, hỗ trợ gạo, tiền hàng tháng cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học cơ sở vùng cao đến trường, yên tâm học tập.

Về tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH đều ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó việc điều tra hộ nghèo ở cơ sở, địa phương phải tiến hành theo 3 bước: Nhận dạng nhanh thông qua chấm điểm tài sản, điều tra thu nhập những hộ có khả năng rơi xuống nghèo, sau đó tổ chức bình xét tại cộng đồng dân cư đối với các hộ có thu nhập dưới chuẩn nghèo theo qui định hiện hành.

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH:

“Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cần sự đồng thuận của toàn xã hội” 

Các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tới sẽ thay đổi như thế nào? Việc phân bổ nguồn kinh phí dành cho công tác giảm nghèo thế nào để phát huy hiệu quả, khắc phục sự dàn trải, trùng lắp cùng một mục tiêu, đối tượng?Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới sẽ như thế nào? PV Báo LĐ&XH có cuộc trao đổi với ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Ngô Trường Thi

 * Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo những năm qua được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm đặc biệt. Trong những năm qua đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, quyết định, chính sách quan trọng về công tác XĐGN được ban hành để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội (các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội) và sự vươn lên của chính người nghèo..., tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác có ý nghĩa xã hội sâu sắc này. Kết quả tích cực XĐGN đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, an sinh xã hội cho người dân cả nước, đặc biệt với vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013); dự kiến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện còn dưới 30%...

* Có ý kiến cho rằng, nhìn tổng quan công tác giảm nghèo ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập đặc biệt trong khâu thiết kế các chính sách vẫn còn mang tính sự vụ, dàn trải?

- Đúng vậy. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện giảm nghèo bền vững vẫn còn những hạn chế: Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư thu hẹp chậm, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tại một số nơi, tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60-70%;  tỷ trọng hộ nghèo DTTS chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của các nước. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do nhiều cơ chế, chính sách được ban hành còn chồng chéo, bất cập dẫn đến việc thực hiện phân bổ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao; nhiều địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, cần khẳng định, tất cả các nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo đều đến tay người nghèo, hộ nghèo. Đến nay, hầu như chưa có vụ việc tham nhũng lãng phí nào liên quan đến nguồn lực đầu tư giảm nghèo bị pháp luật xử lý, một số sai phạm nhỏ liên quan đến điều hành, quản lý đã được phát hiện, xử lý ngăn chặn kịp thời... 

* Vậy, theo ông cơ chế, chính sách giảm nghèo tới đây như thế nào?

-Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đang cùng các bộ ngành liên quan hoàn thiện việc xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, bảo đảm thống nhất; xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ mới theo hướng “Mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo”. Trong các giải pháp sẽ tập trung dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn; phân loại nhóm đối tượng nghèo để có các chính sách cụ thể theo lộ trình. Tạo các tiền đề, điều kiện XĐGN bền vững thông qua việc xây dựng các hình thức liên kết các ngành khoa học, công nghệ với sản xuất, xây dựng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn... Chúng tôi cũng đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách cụ thể cho các hộ mới thoát nghèo được hưởng các chính sách như đối với hộ nghèo 2-3 năm; hỗ trợ mức đóng 100% BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên; hỗ trợ 5% chi phí đồng chi trả cho người thuộc hộ nghèo khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT... Tóm lại, các chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: Hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo; giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.

* Vai trò các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương như thế nào, thưa ông? 

- Mới đây, chúng tôi đã kiến nghị lên BCĐ giảm nghèo Trung ương đề nghị giao các bộ, ngành nghiên cứu, thiết kế lại các cơ chế, chính sách: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá các chính sách giảm nghèo hiện hành, đề xuất hướng sửa đổi, thiết kế lại chính sách, trước mắt bổ sung hoàn thiện Báo cáo Giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2014; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo hướng: Lấy đối tượng hộ gia đình làm trung tâm, xây dựng hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình, quy định mục đích và nội dung vay vốn để hộ gia đình lựa chọn các nhu cầu ưu tiên để vay vốn; Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phối hợp với các với các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo hướng: Tích hợp các chính sách giảm nghèo hiện hành thành văn bản chính sách mang tính hệ thống, dựa trên nhu cầu tối thiểu thiết yếu để người nghèo được tiếp cận được dịch vụ về y tế, giáo dục; Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý vốn đầu tư cho giảm nghèo, cơ chế lập và giao kế hoạch hàng năm sang trung hạn để tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, cộng đồng; Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng phương án thành lập Văn phòng Giảm nghèo cấp tỉnh, chế độ cho cộng tác viên giảm nghèo cấp xã, trình BCĐ thảo luận. Về phía Bộ LĐ-TB&XH sẽ đảm nhận chủ trì nghiên cứu Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, chuẩn mức sống tối thiểu và chuẩn nghèo chính sách, trình BCĐ tại phiên họp quý IV/2014. Tôi cho rằng, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo có hiệu quả, cần có sự đồng thuận của toàn xã hội. Có thể tính bền vững trong giảm nghèo chưa cao, còn một số bất cập, hạn chế nhưng về tổng thể Quốc hội, Chính phủ, cộng đồng quốc tế đều đánh giá đã và đang đi đúng hướng.

* Cảm ơn ông!

Thanh Phúc - Minh Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh