CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:11

Bài học giảm nghèo ở thành phố mang tên Bác

Tiên phong đi trước…

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, TP. Hồ Chí Minh còn rất nhiều hộ nghèo, nhất là ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Nhà Bè, Thủ Đức... Nhiều cán bộ hồi đó còn nhớ, mỗi độ tết đến xuân về, anh em lại đi quyên góp gạo, quà bánh mang đến tận nhà dân.

Thấy cuộc sống khổ cực của bà con mà không cầm được nước mắt, chỉ là hạt gạo, chút muối, mái nhà che mưa tránh nắng thôi mà sao không lo nổi cho dân, ông Phạm Văn Thanh- khi đó được giao phụ trách Phân ban nông thôn của thành phố, hưởng ứng  chính sách đổi mới toàn diện về mọi mặt mà Đảng và Nhà nước thông qua tại Đại hội VI năm 1986, đã cho thí điểm mô hình: Hội làm vườn, Hội nuôi trồng... 

Từ năm 1992, mô hình hoạt động tốt, Phân ban có vốn ban đầu để trợ vốn cho nhân dân. Cũng trong năm này, tham luận của ông Thanh về chương trình hành động để đưa dân thoát khỏi đói nghèo tại Đại hội Thành ủy đã gây được sự chú ý sâu sắc.

Sau đại hội, lãnh đạo thành phố đã ký Thông báo 13 cho phép thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo ở các huyện ngoại thành. Phân ban nông thôn của Thành ủy chuyển thành Văn phòng Ban xóa đói giảm nghèo.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.     Ảnh: LÊ  DUY.

Ngay sau đó, chương trình XĐGN lan toàn thành phố, kết quả thu được nhìn thấy rõ. Không chỉ dừng lại ở đó, các tỉnh, địa phương trong cả nước cũng cử cán bộ tới học tập mô hình rồi nhân rộng ra toàn quốc.

Dẫn đầu cả nước về giảm nghèo

Cho đến nay, chương trình giảm nghèo ở TP. Hồ Chí Minh đã ở giai đoạn thứ ba (2009-2015) và về trước thời hạn 2 năm. Toàn địa bàn không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người dưới 12 triệu đồng/người/năm là hộ nghèo, qua 5 năm, từ 152.328 hộ đầu năm 2009, giảm xuống còn 14.000 hộ cuối năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 8,4% xuống còn 0,71% trên tổng số hộ dân. Hộ cận nghèo được thành phố xác định là hộ có thu nhập từ 12-16 triệu đồng/người/năm.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh ghi nhận: Thành phố rất tự hào về kết quả công tác giảm nghèo, bởi chương trình không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cái ăn cho người nghèo, mà đã mở rộng toàn diện trên các lĩnh vực đời sống thiết yếu của người nghèo, hộ nghèo.

Dịp cuối năm 2008 là cột mốc quan trọng khi TP Hồ Chí Minh hoàn thành cơ bản mục tiêu xóa nghèo 100% theo chuẩn thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2009 – 2015, chương trình đổi tên thành “Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá” với chuẩn thu nhập 12 triệu đồng/người/năm.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Đảng bộ, chính quyền và ngành LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh xác định nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo là do bệnh tật, thiếu vốn, người dân không biết cách làm ăn và không có tay nghề cũng như kiến thức sản xuất kinh doanh.

Phần đông hộ nghèo là lao động thủ công, làm việc bằng kinh nghiệm mà chưa được đào tạo, dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản thấp. Vì vậy, một trong những nền tảng vững chắc để tạo bứt phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện giảm nghèo là vấn đề đào tạo nhân lực.

Chị Thái Thị Đức, xã Qui Đức, huyện Bình Chánh nhờ trồng phong lan đã vươn lên hộ khá.           Ảnh: LÊ DUY.

Theo đó, Chương trình nâng cao nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 được xác định là 1 trong 6 chương trình đột phá, mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thành phố, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Đến tận nhà dân trao “cần câu”

“Đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”- là phương châm giúp dân giảm nghèo một cách thiết thực nhất, được TP. Hồ Chí Minh kiên trì thực hiện nhiều năm qua. Hiện ở các quận, huyện đều có các Ban giảm nghèo và các tổ tự quản giảm nghèo ở các khu phố.

Không chỉ sâu sát hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng hộ nghèo, Tổ tự quản còn có sáng kiến tổ chức sinh hoạt cộng đồng để mọi người học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn, động viên, giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Đình Tường (ấp 3, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) cho biết: “Tôi làm nghề thợ mộc, công việc không ổn định nên đời sống khó khăn.

Biết Nhà nước có chính sách cho đi học nghề, tôi muốn đi học nhưng không đi được vì sức khoẻ và nhà xa. Khi được huyện cử giáo viên về tận ấp dạy nghề, tôi theo học lớp trồng và chăm sóc cây cảnh. Hiện nay tôi có thêm việc làm, thu nhập khá hơn, cuộc sống cũng đã ổn định”.

Anh Cao Văn Hiền, ngụ ấp Bàu Chứa, huyện Củ Chi, lại vươn lên làm giàu sau khi hoàn thành khoá học nghề nuôi heo. Trước đây anh Hiền rất khó khăn, chỉ có thể nuôi được 2 con heo mỗi năm, bây giờ gia đình anh đã có đàn heo thịt, heo giống hàng trăm con. Nhờ biết cách thức chăn nuôi phù hợp, có thể dự đoán được bệnh và biết cách tiêm, chữa bệnh nên đàn heo của gia đình anh phát triển tốt, cho thu nhập cao. Anh Hiền có thể an tâm với mô hình làm ăn hiện tại và chăm lo cho hai con ăn học.

Chính quyền và người dân đồng thuận

Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá là quyết tâm chính trị của Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh xuyên suốt các nhiệm kỳ từ năm 1990 đến nay. Bài học rút ra của địa phương là phải tạo cho được sự đồng thuận, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự chung sức của các vị chức sắc tôn giáo, các doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi động, rộng khắp, liên tục, ngày càng phát triển cả về chất lượng và quy mô. Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tiến hành nhiều giải pháp căn cơ, trở thành chính sách xã hội ổn định và lâu dài.

Định hướng giảm nghèo không dừng lại ở việc trợ vốn, học nghề, giải quyết việc làm mà còn gắn kết với chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật -  xã hội, nhà ở, chính sách học phí, viện phí, v.v... tăng điều kiện tiếp cận cơ hội học tập, chữa bệnh của người nghèo, hộ nghèo nội thành, vùng ven và nông thôn thành phố.

Một trong những thành quả đặc biệt quan trọng, cũng là nguyên nhân thành công là cả hệ thống chính trị thành phố đã khơi dậy ý thức tự lực, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên của người nghèo; khuyến khích và phát huy mạnh mẽ tình tương thân, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào rất tốt đẹp, đặc trưng văn hóa, truyền thống nhân văn của dân tộc ta nói chung, của thành phố mang tên Bác nói riêng.

Với mức thu nhập xác định hộ nghèo từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống và thu nhập của hộ cận nghèo trên 16 đến 21 triệu đồng/người/năm, không phân biệt nội thành hay ngoại thành, TP. Hồ Chí Minh đã tiếp cận với chuẩn nghèo của các nước khu vực Đông Á, cao gần 3 lần chuẩn nghèo quốc gia 2011 – 2015.

Được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình chung của cả nước và thành phố vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, đây là trách nhiệm nặng nề và là thách thức to lớn đối với Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Song chắc chắn, với niềm tự hào và thành tích đã đạt được, TP. Hồ Chí Minh vẫn sẽ tiếp tục là địa phương đi đầu trong cả nước về công tác giảm nghèo. 

Theo ông Ngô Thành Luông, Phó Chủ tịch UBND quận 6- nơi còn nhiều khó  khăn so với các quận, huyện khác của TP. Hồ Chí Minh, biện pháp mà quận áp dụng là hỗ trợ "cần câu" thay vì tặng "con cá", nghĩa là tập trung hỗ trợ học nghề và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho các hộ nghèo để họ có thể tự tạo việc làm.

Trung bình mỗi năm, quận đã giúp hơn 1.000 hộ thoát nghèo và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 3 (trước 2 năm so với kế hoạch). 

Hiền Long

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh