THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:09

Hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công phù hợp với sự phát triển của đất nước

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thăm hỏi sức khỏe các đại biểu NCC tỉnh Cà Mau.

 

*Xin Thứ trưởng cho biết những thành tựu ngành LĐ-TB&XH đã làm được sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công?

- Chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng là công cụ quan trọng trong việc quản lý xã hội, pháp luật về ưu đãi người có công nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.

Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện về diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay, đã có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh, điều kiện xem xét xác nhận đã được sửa đổi, bổ sung mở rộng nhằm đảm bảo xác nhận đúng và không bỏ sót đối tượng như đối với việc xác nhận liệt sĩ, thương binh…, toàn quốc đã xác nhận trên 9,1 triệu người có công (trong đó có trên 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng). Hàng năm nhà nước dành kinh phí trên 30.000 tỷ chi trợ cấp hang tháng, một lần cho người có công với cách mạng; hiện mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công là 1.515.000 đồng cao hơn mức chuẩn lương cán bộ, công chức.

Ngoài chế độ trợ cấp, người có công với cách mạng tùy theo diện đối tượng còn được hưởng một số chế độ ưu đãi khác như: ưu đãi về đất ở, nhà ở; cấp thẻ Bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe; giáo dục - đào tạo; tín dụng… Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và được các cơ sở giáo dục tại địa phương chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.

Phương châm thực hiện chính sách ưu đãi trên cơ sở 3 nguồn lực “Nhà nước, nhân dân và bản thân đối tượng” luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác ưu đãi người có công với cách mạng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương. Trong 5 năm qua, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 5.220 tỷ đồng, xây dựng 36.970 căn nhà, sửa chữa 30.647 căn nhà với tổng trị giá hơn 10.280 tỷ đồng; tặng hơn 64.000 sổ tiết kiệm trị giá gần 288 tỷ đồng; cuối năm 2018 cả nước có hơn 5.064 bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhận phụng dưỡng.

Phải nói rằng thành tựu nổi bật của ngành LĐ-TB&XH sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công đó là:  Người có công với cách mạng được toàn xã hội quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần; được trân trọng, tôn vinh, biết ơn, đền ơn trả nghĩa. Thông qua việc thực hiện pháp lệnh bằng những chính sách, những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, đời sống của NCC với cách mạng nhìn chung ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện và cao hơn bình quân ở khu vực dân cư. Chính những điều này đã động viên, khích lệ và tạo động lực để NCC với cách mạng và gia đình họ tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng không ngừng nỗ lực vươn lên trong xây dựng cuộc sống gia đình, địa phương, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quê hương

Pháp lệnh hiện hành đã mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận NCC với cách mạng, bổ sung nhiều chế độ, chính sách ưu đãi thể hiện rõ tính công bằng và tiến bộ xã hội được xã hội và NCC với cách mạng đồng tình ủng hộ; giải quyết một phần quan trọng tâm tư và những nguyện vọng chính đáng của NCC với cách mạng và thân nhân. Thông qua quá trình thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng với các hoạt động thiết thực đã tạo sự lan tỏa góp phần tác động lớn trong việc giáo dục truyền thống, phát huy nghĩa cử cao đẹp của dân tộc và ý thức trách nhiệm cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với những hy sinh cống hiến của NCC để đất nước có được như ngày hôm nay.

*Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp khai man, gian lận, làm giả hồ sơ NCC để “trục lợi”. Ngành LĐ-TB&XH đã và đang có những giải pháp như thế nào ngăn chặn tình trạng này?


Hỗ trợ nhà ở người có công.

 

 -Từ năm 2012 đến nay, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra ngành LĐ-TB&XH đã phát hiện 6.510 người hưởng chế độ NCC không đúng quy định, với tổng số tiền phải thu hồi là 416,9 tỷ đồng (trong đó có trường hợp khai man, có trường hợp giả mạo, có trường hợp thủ tục, hồ sơ không đảm bảo quy định), chủ yếu là 2 nhóm đối tượng hưởng chế độ thương binh và chất độc hóa học.

  Đối với nhóm hồ sơ thương binh, qua thanh tra tại 7 Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô, tiến hành kiểm tra 66.014 hồ sơ, kết quả bước đầu đã xác định 2.281 hồ sơ không đủ điều kiện để hưởng chế độ, phải đình chỉ trợ cấp và yêu cầu đối tượng nộp trả ngân sách Nhà nước số tiền là 194,78 tỷ đồng.

  Đối với nhóm hồ sơ chất độc hóa học (CĐHH), trong năm 2018, qua thanh tra việc thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH tại 9 địa phương, phát hiện 569 trưởng hợp hưởng sai chính sách phải đình chỉ chế độ, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 55,5 tỷ đồng và 1.176 trường hợp được Hội đồng giám định kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH phải điều chỉnh mức trợ cấp.

Trước tình trạng trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1820TTg-NCC ngày 19/12/2018, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh, kết luận và xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong lập hồ sơ hưởng chính sách ưu đãi NCC. Cụ thể:

Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng để thanh tra việc xác lập hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội thực hiện nhằm phát hiện các hành vi trục lợi chính sách;

 Phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để chỉ đạo cơ quan điều tra công an các tỉnh tiến hành điều tra, xử lý các vụ việc làm giả hồ sơ, bệnh án điều trị bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH tại một số bệnh viện tuyến tỉnh hoặc vụ việc làm giả giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến trong vùng CĐHH. Qua thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã chuyển đã chuyển cơ quan điều tra để khởi tố theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Bộ Y tế để kiểm tra, thẩm định lại việc khám, giám định bệnh, tật đối với các đối tượng hưởng chế độ CĐHH tại một số Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang quyết triển khai các hoạt động: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lựa chọn nội dung, đối tượng, phạm vi thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Đặc điểm, trong kế hoạch thanh tra từ năm 2018 đến năm 2019, cơ quan thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện thanh tra toàn diện đối với đối tượng hưởng chế độc CĐHH trên phạm vi toàn quốc. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tố giác các hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm mọi vi phạm đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật và niềm tin của nhân dân. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

* Để phù hợp với thực tế cũng như nâng cao hơn nữa đời sống của người có công, trong thời gian tới, hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cần được bổ sung, điều chỉnh theo hướng nào, thưa Thứ trưởng?

- Phải nói rằng mục tiêu quan trọng của tất cả những lần điều chỉnh , sửa đổi chính sách ưu đãi NCC đều là để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hơn nữa đời sống NCC bởi chính sách đã ban hành là tĩnh còn tình hình thực tế, trong đó có điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước là cái động. Nếu chính sách không được điều chỉnh, sửa đổi thường xuyên thì đến lúc nào đó sẽ lạc hậu so với thực tế.

Trong lần sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi NCC và các chính sách có liên quan tới đây, Bộ LĐ-TB&XH đề ra một số phương hướng sau:

Một là sửa đổi, chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận NCC, đặc biệt là điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong thời bình để bảo đảm cân đối trong tổng thể chung, bảo đảm sự công bằng bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng ở từng giai đoạn cách mạng.

Hai là rà soát, cân đối lại các mức trợ cấp , phụ cấp để đảm bảo tương quan với mức độ đóng góp, hy sinh của từng nhóm đối tượng. Nâng cao hơn nữa các mức trợ cấp đồng thời bổ sung các chính sách còn thiếu, chưa có trong pháp lệnh như: trợ cấp một lần đối với thân nhân Bà mẹ VNAH, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng được truy tặng; chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đang hưởng trợ cấp mức 1 từ trước 1/9/2012…

Ba là mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong thời chiến theo hướng thay thế khái niệm “ trực tiếp phục vụ chiến đấu” bằng “làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”; Chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình; Sửa đổi khái niệm “người hoạt động kháng chiến bị chất độc hóa học” thành “người hoạt động kháng chiến có liên quan đến phơi nhiễm nhiễm với chất độc hóa học”.

Bốn là huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân vào phong trào đền ơn đáp nghĩa , hỗ trợ NCC để cùng với nhà nước chăm lo tốt đời sống với cách mạng cả về vật chất và tinh thần; Năm là tăng cường các cơ chế, chính sách hỗ trợ gia đình NCC tự vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương đất nước  như: hỗ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên trong tuyển sinh, tuyển dụng …

Xin cảm ơn Thứ trưởng

NGUYỄN SÍU (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh