THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:32

Hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam

 

Gần 98% nạn nhân chất độc hóa học là NCC được hưởng đầy đủ chính sách

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, có khoảng 320.000 người là nạn nhân chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công. Báo cáo Kết quả Tổng rà soát thực hiện chính sách trong 2 năm 2014-2015 cho thấy, có 97,8% đối tượng nạn nhân chất độc hóa học là NCC đã được hưởng đầy đủ chế độ chính sách, 1,04% còn hưởng chưa đầy đủ; 1,16% nạn nhân hưởng sai chế độ chính sách. 

Đối với nạn nhân chất độc hóa học không phải là người hoạt động kháng chiến, theo báo cáo của hệ thống Hội, cả nước có khoảng trên 500.000 người, trong đó có khoảng gần 20% được hưởng các chính sách Trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội, chương trình lồng ghép, chủ yếu là chính sách với người khuyết tật, người nghèo, người cao tuổi, người không nơi nương tựa…

Ông Nguyễn Bá Bồng - Phó Trưởng ban tổ chức - Chính sách Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam cho biết, thời gian qua, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, gắn chặt với phong trào “Hành động Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam”, “Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam”, bằng những việc làm thiết thực, đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 2.451 tỷ đồng dùng để xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, giúp đỡ NCC, trong đó có nạn nhân chất độc hóa học là người hoạt động kháng chiến.

Chỉ tính phong trào “Hành động Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp chủ trì, phối hợp thực hiện từ năm 2011 đến tháng 6/2017 đã vận động được tiền và hiện vật quy ra tiền là 1.518 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương 111,6 tỷ đồng, quỹ địa phương 1.406,4 tỷ đồng, ủng hộ của bạn bè quốc tế 113,6 tỷ đồng; dùng vào các nhu cầu thiết yếu của nạn nhân, gồm hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 35.656 nhà, trợ cấp 46.390 suất học bổng, 1.728 suất tìm việc làm, 823.426 suất khám chữa bệnh, 18.354 suất hỗ trợ vốn sản xuất và thẻ BHYT, xây dựng gần 30 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, xông hơi giải độc cho nạn nhân...

Thận trọng, nhất quán, hạn chế tiêu cực trong thực hiện chính sách

Theo ông Nguyễn Bá Bồng, hiện nay một số chế độ cụ thể dành cho người nhiễm chất độc hóa học còn chưa phù hợp, cụ thể: Trợ cấp hàng tháng cho thế hệ thứ 2 còn thấp, nhất là mức trợ cấp của đối tượng suy giảm khả năng lao động 81% trở lên; Chế độ cấp thẻ BHYT cho thân nhân đối tượng là thương binh, đồng thời bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động mỗi loại dưới 61% (trong khi cộng cả 2 loại tỷ lệ % của đối tượng trên 61%).

 

Thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc hóa học được thăm khám sức khỏe thường xuyên


Ông Bồng đề xuất, trợ cấp cho thân nhân những gia đình có nhiều nạn nhân chất độc da cam bị bệnh tật nặng, gia đình có 2 nạn nhân đặc biệt nặng. Trường hợp thân nhân trực tiếp nuôi dưỡng già, yếu, Nhà nước tạo điều kiện cho nạn nhân được nuôi dưỡng ở các cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội tập trung của các tỉnh, thành phố; Đối tượng thế hệ thứ 3 được xác định bị hậu quả chất độc hóa học cần bổ sung chế độ trợ cấp do chất độc hóa học, không nên áp dụng chế độ đối với người khuyết tật…  

Liên quan đến việc xác nhận đối tượng nhiễm chất độc da cam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, về cơ bản, cho tới nay Bộ Y tế phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến việc xác nhận đối tượng nhiễm chất độc da cam.

Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin không có dấu hiệu đặc trưng riêng biệt, vì vậy, việc xác định đối tượng là nạn nhân chất độc hóa học/dioxin một cách khoa học rất khó khăn, phát sinh kẽ hở cho tiêu cực, dẫn đến dễ lạm dụng chính sách của Đảng và Nhà nước gây bất ổn về an sinh xã hội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, để bảo đảm thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, các chính sách cần được xem xét thận trọng, nhất quán, thống nhất giữa các Bộ, Ban, Ngành để bảo đảm chính sách được thực hiện đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực phát sinh. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành, Hội nạn nhân chất độc hóa học da cam tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn các quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của ngành Y tế, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sóc khỏe cho các nạn nhân chất độc hóa học dioxin hiệu quả và thiết thực hơn. 

HÀ CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh