CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:07

Hỏa hoạn làm 50 người chết, thiêu rụi trên 1.300 tỉ đồng

Lỗi chủ yếu do con người

Điển hình gần đây nhất là vụ cháy chung cư Xa La (Hà Nội), hay vụ cháy ở Thanh Hóa, tuy không có người chết, nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản. Tiếp đến là các vụ  cháy Công ty may Hà Phong (Bắc Giang) ngày 6/4/2013, làm hàng nghìn công nhân không có việc làm, không có thu nhập; vụ cháy Trung tâm Thương mại tỉnh Hải Dương, ngày 15/9/2013 và vụ cháy chợ Phố Hiến tỉnh Hưng Yên ngày 19/3/2014, tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 550 tỉ đồng, làm cho hàng trăm hộ tiểu thương rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần; vụ cháy ngày 30/12/2014, ở phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh làm nhiều người lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất; gần đây nhất là vụ cháy ngày 25/6/2015, tại xưởng sản xuất Công ty TNHH bao bì Việt Long (Đồng Nai) thiêu rụi 27.000 m2 nhà xưởng cùng toàn bộ tài sản bên trong làm hàng nghìn công nhân mất việc làm...

Lực lượng cảnh sát PCCC cứu hộ chung cư tại bán đảo Linh Đàm (Hà Nội) ngày 13/10.

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, cháy lớn xảy ra phần lớn tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, nổ và các tỉnh có nhiều khu dân cư tập trung nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy. Đáng chú ý, hầu hết các vụ cháy lớn đều xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ làm việc, là thời điểm cơ sở ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ có lực lượng bảo vệ thường trực, với số lượng ít nên không phát hiện cháy kịp thời và chữa cháy không hiệu quả.

Nguyên nhân để xảy ra cháy và dẫn đến cháy lớn chủ yếu là do một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở chưa nhận thức hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, còn chủ quan, thiếu quan tâm đến việc chỉ đạo, đầu tư, quản lý và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn PCCC tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình; không thường xuyên tổ chức kiểm tra khắc phục kịp thời những tồn tại, thiếu sót về PCCC dẫn đến tình trạng mất an toàn về PCCC kéo dài, phát sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây cháy lan, cháy lớn khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác PCCC chưa cao, còn chủ quan, thiếu ý thức trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện trong sinh hoạt gây mất an toàn về PCCC cho chính gia đình mình và các hộ xung quanh.

 

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn

Để chủ động phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn, hạn chế đến mức thấp nhất cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình cần phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC; phải thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu nắm chắc nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong công tác PCCC.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức, pháp luật về PCCC, nhằm tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người đứng đầu cơ sở và quần chúng nhân dân trong việc chấp hành và thực thi pháp luật về PCCC.

Đối với các cơ sở có nhiều nguy hiểm cháy, nổ có nguy cơ cao dẫn đến cháy lớn phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện chống cháy lan, cháy lớn trong kiến trúc, kết cấu xây dựng công trình và bố trí mặt bằng, dây chuyền công nghệ. Phải đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình, các hạng mục công trình theo quy định, xây dựng tường ngăn cháy, làm màn nước ngăn cháy, tạo khoang ngăn cháy trong các công trình, nhà xưởng; lắp đặt hệ thống chữa cháy báo cháy và chữa cháy tự động; giảm tải trọng chất cháy trong trong quá trình hoạt động.

Không được bố trí các kho chứa nguyên vật liệu, thành phẩm, hàng hóa trong các nhà xưởng sản xuất hoặc gần các khu vực có phát sinh nguồn nhiệt, tia lửa. Không tự ý cơi nới diện tích sử dụng, xây dựng công trình, làm mái che, mái vẩy hoặc xếp hàng hóa vi phạm khoảng cách an toàn về PCCC. Không sắp xếp hàng hóa, nguyên vật liệu vượt quá tải trọng thiết kế cho phép trong nhà kho, nhà xưởng trong 1 ca sản xuất. Tại các chợ, trung tâm thương mại cần bố trí xen kẽ các mặt hàng dễ cháy với các mặt hàng không cháy, khó cháy; không để tình trạng các hộ kinh doanh tự ý cơi nới diện tích công trình, làm mái che, mái vẩy, xếp hàng hóa vi phạm khoảng cách an toàn PCCC.

Người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ trung tâm thương mại phải thường xuyên, định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở mình. Bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, canh gác vào các thời điểm ngoài giờ làm việc, thời gian cao điểm về sản xuất, kinh doanh và ngày lễ.

Tại các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, chính quyền các cấp phải có kế hoạch chuyển hóa dần nhà dễ cháy thành nhà khó cháy, xây dựng nhà khó cháy xen lẫn nhằm tạo khoảng cách chống cháy lan; trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu và tổ chức hướng dẫn cho các đội viên dân phòng biết cách sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị.

Tại các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khu công nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về giao thông và bên ngoài cho việc tổ chức chữa cháy; bố trí và duy trì nguồn nước phục vụ chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy theo quy định.Để làm giảm thiểu các điều kiện, nguyên nhân dẫn đến cháy lớn nêu trên thì các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC cũng cần phải đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử phạt nghiêm đối với những hành vi vi phạm các quy định, quy trình PCCC; làm rõ trách nhiệm cá nhân và đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật đối với những hành vi vi phạm quy định PCCC, gây hậu quả nghiêm trọng để phòng ngừa, răn đe trong toàn xã hội.       

VL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh