CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:02

Ai chịu trách nhiệm khi "giặc lửa" thường xuyên ghé thăm chung cư?

 

Một loạt sự cố liên quan đến cháy nổ xảy ra dần hé lộ một thực tế: Rất nhiều công trình cao tầng đã được đưa vào sử dụng khi chưa đảm bảo đủ các điều kiện cơ bản về Phòng cháy chữa cháy. Trong khi "trái bóng" trách nhiệm về thực trạng nhức nhối ấy vẫn cứ lăn đi lăn lại, thì hàng ngàn “thượng đế” phải cắn răng chịu thiệt.
Hơn 23% chung cư thiếu an toàn
Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội, qua công tác điều tra cơ bản, trên địa bàn thành phố hiện có tổng số 891 công trình và nhà cao tầng, trong đó có 779 công trình đã hoạt động, 112 công trình đang thi công.
Trong số 779 công trình đã hoạt động thì có đến 121 công trình đã được thẩm duyệt về Phòng cháy chữa cháy nhưng chưa được nghiệm thu; 60 công trình chưa được thẩm duyệt. Số lượng những chung cư thiếu an toàn như vậy chiếm hơn 23% tổng số công trình cao tầng đã được đưa vào hoạt động tại Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội cho hay: Các lỗi phổ biến hiện nay ở các công trình và nhà cao tầng liên quan đến an toàn cháy nổ bao gồm: ​Không đảm bảo về giao thông, khoảng cách phòng cháy chữa cháy; không đảm bảo về lối thoát nạn; không đảm bảo các giải pháp ngăn cháy lan và không đảm bảo các yêu cầu về hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Nhiều chủ đầu tư thậm chí không tổ chức thực hiện các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy theo kiến nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Một số khác thì thực hiện mang tính chất đối phó, không đảm bảo các điều kiện an toàn theo hướng dẫn của quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành về phòng cháy, chữa cháy.

 

 

Cá biệt, có những “chuỗi chung cư” của cùng một chủ đầu tư cùng lúc “bỏ quên” các quy định về phòng, chống cháy nổ. Điển hình là hàng loạt các dự án của doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (thuộc tập đoàn Mường Thanh). Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, nhiều tòa nhà do doanh nghiệp này ​đầu tư đã được đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, mà cụ thể là các tòa nhà CT4 Xa La, HH4A Linh Đàm…

Trong vụ cháy tòa tháp B tòa CT5 trong khu đô thị Xa La, cơ quan phòng cháy chữa cháy đã phát hiện tại đây không hề có quạt tăng áp trong hệ thống thang bộ thoát hiểm. 
Tiến hành kiểm tra tại CT1, CT4 và CT6 cùng thuộc khu đô thị trên, cơ quan chức năng cũng chỉ ra thêm nhiều lỗi mang tính chất hệ thống và kéo dài. Thậm chí, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội còn cho rằng, doanh nghiệp tư nhân thuộc tập đoàn Mường Thanh có biểu hiện chống đối khi thực hiện các kiến nghị từ cơ quan quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Trách nhiệm thuộc về ai?

 Liên quan đến việc xác định đối tượng chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của những chung cư không an toàn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C66, Bộ Công An).

Theo Phó Cục trưởng C66, hiện nay, luật đã quy định rất rõ trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư từ khâu lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu. Chỉ khi chủ đầu tư đảm bảo đủ các điều kiện thì mới được phép đưa công trình vào sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước về Phòng cháy chữa cháy cũng phải có trách nhiệm thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật với hệ thống phòng chống cháy nổ của công trình đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy định được “luật hóa” này trong nhiều trường hợp đã không được thực hiện đúng và đủ. Có thể kể ra trường hợp của chung cư HH4A Linh Đàm đã “đón” 250 thượng đế vào ở trong khi chưa được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Chung cư CT4 khu đô thị Xa La cũng đã được lấp đầy 80% cư dân, bất chấp việc chủ đầu tư còn bỏ ngỏ nhiều khâu trong đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

 

 

Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho rằng: Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm còn thuộc về cả cơ quan quản lý cấp phép xây dựng và cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy sở tại.

“Thực tế vẫn tồn tại việc các hệ thống Phòng cháy chữa cháy ở các t​òa nhà cao tầng chưa thực sự hoàn thiện, có thể thiếu một số tiểu tiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn tạo điều kiện để chủ đầu tư cho dân vào ở." 
"Xảy ra điều này cũng vì tâm lý người Việt khi bỏ tiền ra mua nhà muốn “giữ nhà” trước đã, rồi mới tính đến các khía cạnh khác. Ngoài ra, chủ đầu tư và bên cấp giấy phép cho công trình vào sử dụng cố tình làm sai,” Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng cho biết thêm: C66 cũng đã trao đổi với Bộ Xây dựng để phối hợp chặt chẽ hơn trong việc cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình và đưa vào sử dụng.

Nên đánh giá lại khả năng chịu lực sau vụ cháy CT4

Sau vụ hỏa hoạn tối 11/10 tại chung cư CT4 khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội,) nhiều cư dân đã tỏ ra lo lắng đến khả năng chịu lực của công trình này do thời gian cháy kéo dài khá lâu. Theo đánh giá ban đầu của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, toàn bộ kết cấu tầng hầm của tòa nhà đã bị thiệt hại nghiêm trọng do nhiệt.
Về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Dù ít hay nhiều, vụ hỏa hoạn đêm 11/10 cũng đã ảnh hưởng tới kết cấu chung của tòa nhà. Cụ thể, nếu khoảng cháy và thời gian cháy không quá dài, nhiệt độ không cao thì các cột chịu lực bê tông cốt thép có khả năng chống chịu được. Tuy nhiên, ngược lại, cốt thép sẽ yếu đi và ảnh hưởng tới kết cấu chung.
Cũng theo ông Liêm, do đám cháy xảy ra xuất phát từ tầng hầm nên cần xem xét kỹ hai bộ phận là cột chịu lực và dầm ngang mặt sàn. Nếu nhiệt độ tác động phần lớn đến cột chịu lực vốn là “xương sống” của công trình thì sẽ hết sức nguy hiểm. Trong trường hợp chỉ tác động đến dầm ngang, sẽ chỉ có mặt sàn phía trên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với cả hai giả định, đều cần phải tiến hành gia cố.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng: Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội nên mời các chuyên gia kết cấu đến để đánh giá cụ thể về khả năng chịu lực của tòa nhà.

Trong một diễn biến khác, chiều 13/10, công tác khám nghiệm hiện trường vụ cháy tầng hầm chung cư CT4 khi đô thị Xa La cũng đã được hoàn tất. Cơ quan chức năng đã khoanh vùng được điểm phát cháy khi xác định nhiều khả năng lửa bắt nguồn từ sự cố xảy ra tại khu vực tủ điện hầm CT4A. Ngoài ra, các vật mẫu liên quan cũng đã được thu thập để tiến hành trưng cầu giám định./.

Theo Sơn Bách - TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh