THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:07

Hiểm họa cháy, nổ rình rập các chung cư cao tầng

Thiết bị PCCN: Có cũng như không

 Chỉ vài năm trở lại đây đã xảy ra một loạt những vụ cháy tại các tòa chung cư hiện đại. Điển hình như vụ cháy tòa JSC - Nhân Chính (quận Thanh Xuân), vụ cháy tòa nhà EVN-11 Cửa Bắc (quận Ba Đình); vụ cháy tòa nhà Tổng cục Hải quan (quận Cầu Giấy), vụ hỏa hoạn tại tòa nhà Hasinco (quận Thanh Xuân). Và mới đây vào ngày 16/9/2015 xảy ra vụ cháy ở chung cư HH4A Linh Đàm(quận Hoàng Mai).

Dư âm của vụ cháy chung cư HH4A Linh Đàm chưa dứt, thì vào khoảng 20 giờ đêm 20/9, tại tòa nhà CT5b, thuộc khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) bốc khói khiến hàng trăm người dân hoảng loạn, bỏ chạy tháo thân. Đáng chú ý, cũng như vụ việc tại chung cư HH4A Linh Đàm, khi thấy khói  người dân mới biết hỏa hoạn, trong khi chuông báo cháy không kêu.Vụ việc đang được điều tra, dù không gây thiệt hại về người, nhưng lại một lần nữa cảnh báo về chất lượng của hệ thống PCCC trong các chung cư. Tại nhiều tòa nhà, hệ thống thiết bị này chỉ mang tính hình thức, chủ đầu tư có trang bị nhưng việc bảo trì, kiểm tra, vận hành gần như không có và cũng thờ ơ với việc tuyên truyền, hướng dẫn cho cư dân về an toàn cháy nổ.

Cảnh sát PCCC cứu hộ vụ cháy xảy ra tại tòa nhà HH4a Linh Đàm.

Ông Trung, đại diện ban quản lý tòa nhà HH4A Linh Đàm cho biết, tòa nhà mới được bàn giao từ tháng 7, cư dân chưa về ở hết, các hạng mục kĩ thuật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đã xảy ra sự cố cháy.  Dù trước đó, Ban quản lý tòa nhà đã lên kế hoạch tuyên truyền kiến thức PCCN và diễn tập cho người dân, nhưng chưa kịp thực hiện thì đã... xảy ra cháy thật. Hiện nay, tình trạng các khu chung cư coi nhẹ quy định PCCC dẫn đến hậu quả nặng nề không phải là hiếm. Tại nhiều chung cư, các bình chữa cháy không có hoặc có nhưng không sử dụng được, các cầu thang thoát hiểm thiếu biển chỉ dẫn...

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, tính đến quý II/2015, trên địa bàn thành phố có 891 công trình, nhà cao tầng. Trong số 779 công trình đã đưa vào hoạt động thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về PCCC, 121 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC. Như vậy, còn tới gần 200 công trình đang hoạt động nhưng chưa có xác nhận đạt tiêu chuẩn PCCC của cơ quan chức năng.

Chủ đầu tư bỏ qua nhiều qui định

Trả lời báo chí, đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Luật PCCC quy định rất rõ trách nhiệm của chủ đầu tư từ khi lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu, khi nào đủ các điều kiện mới được phép cho người vào ở hoặc đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời, cơ quan cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ phải có trách nhiệm thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật đối với hệ thống phòng cháy chữa cháy của công trình đó. Nếu chủ đầu tư chưa hoàn thiện quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu công trình, mà đã cho người dân vào ở là sai quy định.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại cho rằng, không chỉ xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư, mà còn cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng các chung cư cao tầng. “ Phạt chủ đầu tư xây dựng dự án là đúng, nhưng cơ quan quản lý mà để việc đó xảy ra cũng là sai. Chúng tôi đề nghị chính quyền UBND phường phải có vai trò nhất định trong quản lý chung cư trên địa bàn, từ việc xây dựng đến vận hành. Thế nhưng hiện nay, UBND phường không được trực tiếp tham dự, mà việc này là việc của các sở, ngành chức năng, còn UBND quận có khi cũng không biết” - ông Liêm nêu vấn đề.

Anh Hà Văn Hưng, trưởng tầng 33, tòa nhà CT12B (chung cư Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai) cho hay: “Sau khi xảy ra vụ cháy ở nhà HH4 Linh Đàm, người dân cũng đã kiểm tra hệ thống chữa cháy. Hiện tại các vòi chữa cháy nước chảy rất nhỏ, không đủ áp lực, thử hệ thống chuông báo cháy nhưng cũng không hoạt động. Nếu các thiết bị phòng cháy cứ hoạt động kiểu này, thì khi hỏa hoạn xảy ra người dân biết cầu cứu ai?”.

Anh Hưng nhận định: “Điều 41, Nghị định 167/2013 quy định: Nếu không bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ; trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ hoặc đồng bộ theo quy định, mức phạt tiền là 300.000 - 500.000 đồng. Với mức phạt này, các chủ đầu tư, Ban quản lý tòa nhà sẵn sàng nộp phạt, thay vì phải đầu tư, thay mới, bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC”.   

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh