Hoa hậu Ngọc Hân cảnh báo 'cái bẫy làm thuê' khiến nhiều người trẻ không thể khởi nghiệp
- Văn hóa
- 15:10 - 16/09/2019
Đó là chia sẻ của Hoa hậu Ngọc Hân khi trò chuyện với phóng viên đồng hành cùng chương trình Hành trình Từ Trái Tim đến ĐH Tiền Giang và Đồn biên phòng Cửa Đại, ngày 14/9.
"Trong tất cả mọi trường hợp, hãy chừa cho mình một con đường lùi"
Đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 2010, Ngọc Hân không phải là cái tên khiến công chúng đặc biệt ấn tượng bởi nhan sắc. Họ nhớ đến cô phần nhiều vì cô đã tham gia nhiều hoạt động xã hội ngay sau khi đăng quang, và sau đó là sự thể hiện năng lực của một nữ doanh nhân, nhà thiết kế táo bạo khởi nghiệp.
Hiện tại, Ngọc Hân đang sở hữu một thương hiệu thời trang riêng. Để có được thành công ấy, Ngọc Hân đã trải qua chặng đường dài đầy rẫy chông gai.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống học hành nhưng từ nhỏ, Ngọc Hân lại không có nhiều hứng thú với vấn đề điểm số hay thành tích trên lớp. Những bài kiểm tra Toán toàn... điểm 3 với 4 của cô khiến cha mẹ phải cảm thấy thất vọng. Thay vì chú tâm vào việc học, từ hồi cấp I, cô đã mải mê với việc kiếm được tiền nhờ tự may vá và bán lại cho bạn bè những bộ quần áo búp bê.
Lớn thêm một chút, Ngọc Hân muốn đi theo con đường làm thời trang thì liền bị bố mẹ phản đối. Trong suy nghĩ của họ, thời trang là điều gì đó khá phù phiếm. "Nhưng dường như lúc đó, tai mình điếc, đầu óc thì có vấn đề nên hoàn toàn không tiếp thu những lời lẽ phản đối của bố mẹ mà vẫn rất cứng đầu, bướng bỉnh với ước mơ của riêng mình".
Lớn thêm một chút nữa, Ngọc Hân đi học nghề người mẫu thì bị thầy giáo từ chối, nói cơ thể cô không đẹp do tay cong, lưng hơi gù và rất khó sửa. Rồi khi Ngọc Hân muốn thử sức làm MC, gười khác lại chê giọng nói cô nam tính, không quyến rũ. Lúc cô muốn mở cửa hàng thời trang, họ nói Hân không có kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh nên sẽ không làm được.
Bỏ qua tất cả những lời nói, nhận xét tiêu cực ấy, Ngọc hân vẫn mạnh dạn bước tiếp về phía trước bằng lòng tin vào con đường mình đã chọn. Cuối cùng, trên tất cả các lĩnh vực Hân theo đuổi, cô đều giành được thành công đáng ngưỡng mộ.
"Hân nghĩ rằng, điều quan trọng nhất để làm nên thành công chính là việc chúng ta biết mình cần gì, thích gì và luôn luôn giữ cho mình suy nghĩ tích cực, thái độ sống lạc quan cũng như lòng tin vào năng lực, khát vọng của chính mình".
Hoa hậu cũng tâm sự, trong xã hội hiện nay, khi mạng xã hội đang bùng nổ, mỗi ngày, chúng ta có thể tiếp cận với vô vàn lời khuyên về cách làm giàu, khởi nghiệp... Tuy nhiên, không phải lời khuyên nào cũng sẽ có giá trị.
Chặng hạn, một số người thường khuyên các bạn trẻ hãy cứ lao mình vào sợ hãi, đối diện với khó khăn để khởi nghiệp và đừng sợ thất bại vì thất bại càng lớn, càng có cơ hội học hỏi được nhiều hơn. Tuy nhiên, Ngọc Hân cho đó là lời khuyên chưa đầy đủ. Theo cô, "trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta hãy nên chừa lại cho mình một con đường lùi".
"Hân không đồng ý với cách khởi nghiệp lao đầu vào làm mà không hề chuẩn bị trước cho thất bại. Họ không lo xa rằng, khi thất bại, mình sẽ bấu víu vào đâu, sẽ làm gì tiếp theo để đứng lên. Nếu cứ lao vào thử thách để rồi không còn gì, thất bại đến chết thì hoàn toàn không nên".
Trong quá trình còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên muốn khởi nghiệp cần tăng cường trải nghiệm, tích lũy vốn sống, rèn luyện đạo đức, cách đối nhân xử thế để có những mối quan hệ chất lượng trước khi bắt tay vào khởi nghiệp.
"Người ta nói có bột thì mới gột nên hồ. Thế nên khi muốn thành công, bạn phải có chất liệu. Chất liệu ấy trước hết là đến từ phẩm chất con người bạn. Hân lấy ví dụ như vấn đề chữ tín, nếu bạn luôn giữ chữ tín, có được lòng tin của mọi người thì họ sẽ không ngại cho bạn mượn tiền, giúp bạn lúc khó khăn hoặc bắt tay hợp tác với bạn. Những mối quan hệ chất lượng nhờ chữ tín sẽ là chìa khóa quan trọng giúp bạn mở những cánh cửa cơ hội mới trên con đường đi tới thành công".
Soi chiếu lại những kinh nghiệm sống này vào con đường mình đã trải qua, Ngọc Hân cho biết, khi mới kinh doanh thời trang, dù đã là Hoa hậu Việt Nam nhưng cô vẫn chỉ bắt đầu bằng việc trở thành đại lý cho một nhãn hàng. Một người dù có danh vị Hoa hậu như Hân vẫn không ngại sáng đi sự kiện lỗng lẫy, chiều về mặc quần jean áo phông, mang giày thể thao ra chợ mua vải, mặc cả từng đồng lẻ để có những xấp vải tốt với giá cả phải chăng nhất có thể.
Sau 3-4 năm làm đại lý, Hân mới bước ra tự kinh doanh riêng. Quãng thời gian làm thuê đã dạy cho cô rất nhiều trải nghiệm, bài học. Từ một người chưa biết nhiều về kinh doanh, Hân giờ đây đã có thể tự tin với sự nghiệp của riêng mình.
"Trong khi làm việc gì, Hân cũng luôn đề cao CHỮ TÍN, sự cần cù, thái độ khiêm nhường để lắng nghe mọi lời góp ý và biết lượng sức mình".
"Nếu chỉ biết cháy hết mình vì đam mê, bạn sẽ là người làm thuê tài ba, nhưng khởi nghiệp thì chưa chắc!"
Chia sẻ kỹ hơn với phóng viên về quan điểm dẫn đến thành công, Ngọc Hân cho biết, dám theo đuổi đam mê là điều rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, nếu chỉ biết cháy hết mình, chỉ biết lao đầu vào thách thức mà không có tầm nhìn xa trông rộng, thì bạn sẽ rất phù hợp để đi làm thuê và có thể trở thành người làm thuê tài ba. Bởi vì chủ doanh nghiệp rất cần những người làm việc hết mình, không ngại khó khăn, gian khổ.
Bản thân Hân cũng rất tâm đắc với câu nói của Lý Tự Thành rằng: "Khi bạn còn trẻ, đừng ngại bị lợi dụng".
Khá ít người thành công bằng con đường làm chủ ngay từ đầu. Đa số họ đều có thời gian làm thuê để trải nghiệm và học hỏi. Trong quãng thời gian đó, họ không ngại vất vả mà luôn để tâm xem mình học hỏi được gì, mình đã làm việc hết sức, cống hiến hết mình hay chưa".
Cách sống "cháy hết mình" sẽ phát huy hiệu quả tối đa ở môi trường làm thuê. Nó sẽ là tiền đề giúp bạn thăng tiến và học hỏi không ngừng. Tuy nhiên, khi bứt phá ra làm chủ, bạn cần biết lo xa hơn.
Bạn vẫn sẽ cần có đam mê, dám thách thức thất bại nhưng có nhiều thứ cần nắm rõ hơn như: Năng lực lõi của bạn là gì, kế hoạch thực thi của bạn đã rõ ràng, hợp lý hay chưa, bạn đã kết nối được các nguồn lực chất lượng nào...
Người làm chủ cần có trách nhiệm với mình, gia đình và với những người đồng hành cùng mình. Doanh nghiệp càng lớn, trách nhiệm càng nhiều và có thể mở rộng tới mức chịu trách nhiệm với quốc gia, dân tộc. Vì thế, người làm chủ không thể chỉ biết lao đầu vào thách thức mà sẽ lựa chọn, cái gì là phù hợp và có ý nghĩa với con đường mình đã chọn.
Đối với người mới khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm là đáng quý nhưng kinh nghiệm học đến bao giờ mới đủ? Bởi mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh lại đòi hỏi cách phản ứng khác nhau. Vậy nên, người trẻ sẽ phải học nhiều hơn về khả năng sáng tạo, linh hoạt... chứ không chỉ đơn giản là mỗi một yếu tố dám lao đầu vào thách thức, rủi do.
Đồng hành cùng Hành trình Từ Trái Tim đến với Đại học Tiền Giang và đồn biên phòng Cửa Đại (Bến Tre), Ngọc Hân cũng đưa ra lời khuyên riêng dành cho thanh niên ở đây là nếu khởi nghiệp, hãy tham khảo thêm việc gắn con đường làm giàu của mình với điều kiện quê hương.
Ngọc Hân phân tích, chẳng hạn như nước ta, dù cũng có gạo hạt dài, thơm nhưng không được ưa chuộng bằng Thái Lan. Nền nông nghiệp Thái Lan ngày nay được thế giới biết đến rộng rãi, có thị trường rộng lớn và đem lại giá trị gia tăng lớn hơn hẳn so với Việt Nam.
"Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam, là mảnh đất được thiên nhiên ưu ái, phù sa, đất đai trù phú thì Hân rất hy vọng rằng sẽ có những bạn trẻ khởi nghiệp làm giàu từ chính những sản vật quê hương.
Bản thân Hân đã tham gia nhiều diễn đàn doanh nghiệp quốc tế và cũng đã thấy rất nhiều thanh niên miền Tây làm giàu bằng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, Hân rất mong tinh thần ấy sẽ trội dậy mãnh mẽ hơn nữa để giúp miền Tây thực sự có những Tập đoàn lớn về nông nghiệp, giúp phát triển quê hương, đất nước".
* Trong ngày 14/9, với sự đồng hành của HH Ngọc Hân, HH Đền Hùng Giáng My, Á hậu Thùy Dung, ca sĩ Thái Thùy Linh, Hành trình Từ Trái Tim đã đến trao sách, giao lưu cùng sinh viên ĐH Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) và các chiến sĩ đồn biên phòng Cửa Đại (tỉnh Bến Tre). Trong ngày 15/9, đoàn có nhiều hoạt động khác tại Bến Tre trước khi di chuyển đến các tỉnh khác vùng sông rạch ĐBSCL.