Hiệu quả từ điều trị nghiện ma túy bằng Methadone
- Pháp luật
- 13:51 - 26/12/2018
Trên thế giới, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone không phải là một giải pháp mới trong các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV. Phương pháp này đã được triển khai từ năm 1964 trên 70 quốc gia như: Australia, Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc... điều trị cho khoảng 580.000 người tại khu vực châu Âu và hơn 200.000 người tại khu vực châu Á.
Điều trị nghiện ma túy bằng Methadone (ảnh minh họa)
Tại những nước đã triển khai, chương trình điều trị Methadone đã góp phần đáng kể vào việc giảm tội phạm, giảm sự lây truyền HIV trong nhóm người nghiện ma túy và từ nhóm người nghiện ma túy ra cộng đồng. Các nghiên cứu quốc tế đã đưa ra bằng chứng thống nhất là điều trị thay thế bằng Methadone giúp người nghiện giảm tần suất sử dụng các loại ma túy; giảm các hành vi tội phạm liên quan đến ma túy; giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng ma túy quá liều; tăng hiệu quả của việc điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút ARV.
Theo Viện Y tế quốc gia, Văn phòng Giám đốc, Bộ Y tế Hoa Kỳ tháng 11/1997: “Trong số các phương pháp điều trị khác nhau, điều trị duy trì Methadone, kết hợp với sự chú ý đến các vấn đề về y tế, tâm thần và kinh tế xã hội, cũng như tư vấn về ma túy, có khả năng có hiệu quả cao nhất".
Bắt đầu từ năm 2008, Việt Nam đã triển khai thí điểm chương trình “Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Tính đến hết tháng 9/2017, việc điều trị bằng Methadone đã được triển khai ở 63 tỉnh, thành phố cả nước; điều trị cho hơn 52.500 bệnh nhân tại 302 cơ sở điều trị.
Điều trị nghiện ma túy bằng Methadone mang lại nhiều hiệu quả
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay toàn quốc có khoảng 52.000 người nghiện được điều trị bằng thuốc Methadone, chiếm khoảng 33% số người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng. Đồng thời, bệnh nhân đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV.
Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống). Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao.
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội cho biết, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, trước kia nghiện heroin bây giờ nghiện methadone thì có khác gì? Sự thật khác hoàn toàn. Khi thiếu heroin sẽ xuất hiện “hội chứng cai” (đau đớn, vật vã, toát mồ hôi, giãn đồng tử…). Lúc đó cho uống methadone, “hội chứng cai” sẽ không xuất hiện hoặc biến mất. Còn khi nghiện methadone cũng xuất hiện “hội chứng cai”, cũng đau đớn, vật vã nhưng là “hội chứng cai” của methadone chứ không phải heroin nữa. Lúc đó phải dùng methadone (có khi phải liều cao hơn - dễ dẫn đến tử vong).
Nghiện heroin thì có methadone để điều trị thay thế, nhưng nghiện methadone thì không có thuốc gì để điều trị thay thế. Còn nếu cai nghiện methadone thì cực kỳ khó khăn. Giai đoạn cai cắt cơn heroin chỉ 5 - 15 ngày nhưng với methadone hàng tháng vẫn chưa kết thúc (cơ sở cai nghiện nước ta đã từng làm). Nghiện methadone để lại hậu quả lâu dài.
Theo ông Hiền, những giá trị, hiệu quả của điều trị Methadone là hết sức quan trọng. Điều đó đã được thực tế chứng minh và khẳng định. Những cách làm hay và làm tốt cần được nhân rộng và phát triển. Vấn đề đáng quan tâm là cần xem xét để hoàn thiện chương trình điều trị. Nếu điều trị Methadone mà hàng ngày chỉ đơn giản cho uống thì quá dễ dàng, chỉ mang lại một số hiệu quả trước mắt. Còn muốn “điều trị duy trì, giảm liều tiến tới ngừng điều trị” như quy định của Chính phủ thì phải thực hiện tổng thể, công phu nhiều giải pháp. Làm được như vậy mới không để lại những hậu quả khôn lường lâu dài, đó là nghiện methadone, tử vong do methadone, thế hệ con cái bị ảnh hưởng sức khỏe, tử vong do bố, mẹ dùng methadone...
Từ khuyến cáo của các nhà khoa học Mỹ và thực tế điều trị Methadone cần sớm điều chỉnh, bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật với những nội dung, giải pháp về quản lý, tâm lý, xã hội, kinh tế ngoài biện pháp y tế đã nêu. Lúc đó điều trị Methadone mới thực sự hiệu quả. Do vậy, cũng cần cân nhắc thấu đáo, cứ tiếp tục mở rộng điều trị Methadone với cách làm hiện nay hay phải quan tâm đến chất lượng, làm đâu chắc đó, thực sự là điều trị Methadone bài bản rồi mới mở rộng.
Để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, thời gian tới các ngành chức năng cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách; tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc Methadone tại tuyến xã, phường đặc biệt tại các tỉnh miền núi.