CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 08:06

Cai nghiện bằng Methadone: Cần thực hiện tổng thể nhiều giải pháp

Hơn 54.000 người nghiện đang được điều trị bằng methadol

Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tiếp tục gia tăng, ở các địa phương; ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60 -70% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam tỷ lệ sử dụng ATS lên đến 70-85% trong tổng số người nghiện. Theo nghiên cứu tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh cho thấy 40% người nghiện Heroin có sử dụng ATS và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng ATS. Theo Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần, loạn thần ở người sử dụng ATS chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15%  trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng ATS. Những người trầm cảm thường có hành vi tự sát gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở cai nghiện. 

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, điều trị nghiện các các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (MMT) bắt đầu triển khai từ năm 2008. Sau 1 năm triển khai thí điểm và đánh giá kết quả chương trình thí điểm thấy hiệu quả tốt, Chính phủ đã cho phép mở rộng chương trình ra toàn quốc và đặt mục tiêu điều trị 80.000 bệnh nhân trên toàn quốc.Tính đến 30/9/2018, chương trình methadone đã được triển khai tại 316 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 54.255 bệnh nhân.

Điều trị nghiện bằng Methadone đã được các nước trên thế giới và ở Việt Nam đánh giá đem lại nhiều hiệu quả cho người nghiện, gia đình họ và xã hội. Người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng, chi phí điều trị thấp..

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách; Tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc tại tuyến xã/phường đặc biệt tại các tỉnh miền núi. Đồng thời, triển khai điều trị bằng các thuốc khác như Suboxone - buprenorphin/naloxone; Tăng cường chất lượng điều trị, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị Methadone nhằm giảm tải các hồ sơ biểu mẫu rườm rà, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và uống thuốc tại địa phương một cách đơn giản hơn; Hỗ trợ công tác triển khai điều trị tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giam giữ: ngành Y tế hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thuốc điều trị.

“Đa dạng hóa dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện không chỉ bằng Methadone mà trong quý I/2019 sẽ có thêm Buprenorphine để lựa chọn. Việc quản lý bệnh nhân điều trị Methadone đang chuyển dần từ ghi chép sổ sách sang phần mềm thông tuyến toàn quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng” - TS Nguyễn Hoàng Long thông tin.

 

Cần hoàn thiện chương trình điều trị với nhiều giải pháp tổng thể về quản lý, tâm lý, xã hội

Theo  Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), vấn đề đáng lo nhất hiện nay là việc gia tăng đột biến số lượng người nghiện ma túy tổng hợp, đặc biệt tại các tỉnh trọng điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh số người sử dụng ma túy đá lên đến 85%. Có những người nằm trong chương trình Methadone rồi nhưng cũng vẫn sử dụng ma túy tổng hợp, gây loạn thần, ảo thanh, ảo giác, tự kỷ, không kiểm soát được hành vi của mình, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. 

Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng, những giá trị, hiệu quả của điều trị methadone đã được thực tế chứng minh và khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là cần xem xét để hoàn thiện chương trình điều trị. Nếu điều trị methadone mà hàng ngày chỉ đơn giản cho uống thì quá dễ dàng, chỉ mang lại một số hiệu quả trước mắt. Còn muốn “điều trị duy trì, giảm liều tiến tới ngừng điều trị” như quy định của Chính phủ thì phải thực hiện tổng thể, công phu nhiều giải pháp, chính sách cụ thể về các vấn đề quản lý, tâm lý, xã hội với đối tượng này. Làm được như vậy mới không để lại những hậu quả, đó là nghiện methadone, tử vong do methadone, thế hệ con cái bị ảnh hưởng sức khỏe do bố, mẹ dùng methadone...

“Từ khuyến cáo của các nhà khoa học Mỹ và thực tế  điều trị methadone, cần sớm điều chỉnh, bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật về methadone với những nội dung, giải pháp về quản lý, tâm lý, xã hội, kinh tế ngoài biện pháp y tế. Lúc đó, điều trị methadone mới thực sự là “giải pháp vàng” - ông Hiền nói.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh