THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:59

Lai Châu: Gắn cai nghiện với dạy nghề để người nghiện sớm hoàn lương

 

Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc Trần Hoài An cho biết: “Ngoài nhiệm vụ giúp học viên cai nghiện, cán bộ trung tâm còn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từng học viên để tạo sự chuyển biến về tư tưởng, giúp họ sớm hoàn lương. Các học viên khi vào trung tâm được học nội quy, quy chế, các văn bản quy phạm pháp luật; được đào tạo nghề, lao động trị liệu và làm công tác phục vụ tùy theo khả năng, năng lực từng người; có thu nhập theo định mức ngày công lao động hoặc từ kết quả của các sản phẩm làm nghề”.

Học viên Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc được chăm sóc sức khỏe

Nếu như việc cai nghiện bắt buộc phải kiên trì và có phương pháp điều trị phức tạp thì việc giúp các đối tượng nghiện học nghề có phần dễ hơn. Có lẽ, được tự chọn một ngành nghề cho bản thân trong những lớp dạy nghề ngắn hạn trong môi trường cai nghiện giúp học viên có thêm động lực để học hơn. Khác với các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi như những năm trước, năm nay, Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu mở lớp đào tạo nghề xây dựng tại đơn vị. Học viên nào cũng hồ hởi. Ai nấy đều tập trung học với mong muốn sau khi trở về địa phương có thể tự kiếm sống bằng chính bàn tay, khối óc của mình.

Những giờ lên lớp học hỏi kiến thức cơ bản rồi lại được tiếp cận thực hành các kỹ năng về an toàn lao động, các đặc tính cơ bản của vật liệu xây dựng; kiến thức cơ bản và chuyên môn của nghề nề - hoàn thiện như: đào móng, xây gạch, đá, trát láng, lát, ốp, sơn vôi, bả và các kỹ năng tổ chức sản xuất; sử dụng một số loại máy, dụng cụ, một số thiết bị trong nghề xây dựng… đã giúp không ít học viên vực lại được tinh thần sau những chuỗi ngày u ám.

Anh Vàng Văn Hoàn, bản Đồng Tâm, thị trấn Tam Đường là một trong những học viên đang thực hiện cai nghiện tại Trung tâm được 6 tháng. Đang nhanh tay chăm sóc vườn rau, anh Hoàn nhớ lại: “Ngày trước người dân truyền tai nhau làm thuê ở bãi vàng Chinh Sáng (xã Khun Há) kiếm được rất nhiều tiền. Vì vậy mình bàn với vợ xin vào đó làm với mong muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng tuổi trẻ bồng bột, nông nổi nên bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vào con đường nghiện hút ma túy. Từ ngày lạc vào con đường nghiện ngập, bao nhiêu của cải dành dụm, tiết kiệm được đều “đội nón ra đi”. Được gia đình khuyên răn, địa phương, công an huyện đưa lên Trung tâm để giúp từ bỏ ma túy. 6 tháng cai nghiện, được cán bộ quan tâm, dạy bảo tận tình, mình còn được học nghề xây dựng, vui chơi thể thao, đọc sách báo để nâng cao hiểu biết. Bản thân sẽ cố gắng cai nghiện thật tốt đợi ngày về với vợ con làm lại cuộc đời...

Còn với chị Chìn Thị Hà, bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè bị bạn bè rủ rê nghiện gần 2 năm nay. Chị Hà chia sẻ: Lúc đầu mới vào Trung tâm ngày đêm quằn quại trong cơn đau thèm thuốc vật vã nhưng nghĩ tới các con đang bơ vơ ở nhà, chị lại càng quyết tâm cố gắng vượt qua. Sau 2 tháng vào Trung tâm, được giáo dục nhận biết tác hại ma túy, được hướng dẫn lao động, được giúp đỡ cắt cơn nên mình đã đoạn tuyệt với ma tuý quyết tâm làm lại cuộc đời, nhanh chóng trở về với gia đình…

Để công tác cai nghiện thành công, công tác giáo dục phục hồi nhân cách và lao động, sản xuất để tái hòa nhập cộng đồng là yêu cầu rất quan trọng. Bởi, nếu không được lao động, học viên sẽ rất mệt mỏi, lúc nào cũng nghĩ đến trốn trại, đi tìm ma túy. Có việc làm đồng nghĩa với việc sẽ không còn thời gian để nghĩ đến chất gây nghiện.

Bằng nhiều cách, vận động nhiều mối quan hệ, thời gian qua, Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp dạy nghề trên địa bàn tỉnh để dạy nghề cho học viên. Cũng theo thông tin từ ông An: “Hiện, Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh có 104 học viên. Để tạo điều kiện cho học viên lao động, học nghề và mong muốn sau khi cai nghiện xong, các học viên có nghề trong tay để tự mình nuôi sống bản thân, gia đình; những năm qua, trung tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác nắm bắt nhu cầu học nghề của các học viên để mở lớp. Tiêu biểu vẫn là các lớp: trồng nấm, mây tre đan, chăn nuôi lợn, gà, mộc, điện dân dụng…”.

Cuộc sống sẽ không tránh khỏi những sai lầm nhưng nếu biết vượt qua, nỗ lực hướng về phía trước thì dù có khó khăn đến đâu cũng sẽ vượt qua. Mong rằng, những mảnh đời lầm lỡ ở Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc sẽ vươn lên từ bàn tay, khối óc, bằng những nghề đã được đào tạo tại trung tâm, tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

VĂN QUYẾT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh