Hầu hết đều vi phạm qui định về an toàn thực phẩm
- Pháp luật
- 17:32 - 18/05/2015
Theo đại diện của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cả nước đang tồn tại gần 35.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong số đó chỉ có hơn 12.000 điểm được kiểm soát.
Còn lại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có đều không đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, chủ cơ sở không quan tâm tới việc đầu tư trang thiết bị phục vụ giết mổ, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường cũng như nguồn nước ngầm.
Việc giết mổ được thực hiện ngay trên nền nhà, sân... chất thải được xả tràn lan trong khi giết mổ, rồi thải trực tiếp xuống sông, cống rãnh, nguồn nước sạch phục vụ giết mổ cũng không đảm bảo vệ sinh thú y, một số điểm giết mổ sử dụng giếng khoan để rửa thịt, thậm chí còn tận dụng cả nước sông, ao hồ trong quá trình giết mổ.
Năm 2014, qua kiểm tra có 6/63 Chi cục Thú y báo cáo đã xử lý 31 trường hợp bơm nước vào gia súc với số tiền phạt trên 254 triệu đồng-một con số quá ít so với thực tế.
Một cơ sở giết mổ gia súc không đạt chuẩn tại TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, ở nhiều địa phương việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm gặp không ít bất cập do lực lượng cán bộ chuyên trách mỏng, trong khi số điểm giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều. Ông Phạm Minh Đông, Cục trưởng Cục Thú y lưu ý, việc giết mổ vận chuyển động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ những cơ sở giết mổ này sẽ làm gia tăng một số bệnh lây nhiễm từ động vật sang người sử dụng.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, mặc dù đề án quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung đã được hơn 80% các tỉnh, thành phố phê duyệt và có những chính sách khuyến khích đầu tư, quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chậm. Nhiều cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng theo nhu cầu, nhưng không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, từ đó dẫn tới đầu tư không hợp lý, sử dụng, khai thác không hiệu quả.
Bên cạnh đó, do công tác quản lý quy hoạch thiếu chặt chẽ, dẫn tới tình trạng xây nhà, công trình khác gần cơ sở giết mổ tập trung; một số huyện, xã, thị trấn nhu cầu giết mổ thấp, số lượng gia súc đưa vào cơ sở giết mổ tập trung ít, vì vậy không thu hút được chủ đầu tư.
Về các giải pháp kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm ông Phạm Việt Anh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm đề nghị, cần tăng cường hỗ trợ các cơ sở giết mổ về quản lý chất lượng, thí điểm hỗ trợ vận chuyển, bao gói, làm mát và tăng cường các hỗ trợ về liên kết chuỗi cung ứng cũng như công tác truyền thông đến người tiêu dùng.Chính quyền các địa phương cùng với việc đầu tư nâng cấp các cơ sở đạt chuẩn, cần cương quyết đóng cửa các cơ sở giết mổ chưa đủ điều kiện.
Mới đây, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi khu vực phía Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi cần phải làm ráo riết các khâu liên quan đến an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Hiện nay hầu hết thịt được nuôi và giết mổ đều tiêu thụ ở trong nước. Do vậy nếu làm không tốt, thì chính người dân chúng ta phải gánh chịu hậu quả về an toàn vệ sinh thực phẩm…”.