CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:26

Hậu Giang: Nông dân nuôi cá nước ngọt lợi nhuận cao

 Hậu Giang là tỉnh có diện tích mặt nước tự nhiên rất lớn và rất phù hợp với việc nuôi các loại cá nước ngọt.

 Căn cứ vào thực tế và lợi thế đó, những năm qua các ngành chức năng đã chủ động lên kế hoạch phối hợp với Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ mở các lớp dạy về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nông dân, chủ yếu là người nghèo.

 Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã mở rất nhiều lớp sơ cấp và 6 lớp nâng cao, với hàng trăm người tham gia.

 Để việc học luôn đi đôi với thực hành, sau mỗi khóa học đều tổ chức xây dựng mô hình cho các hộ nghèo tham gia, với sự hỗ trợ về tiền đào ao; tiền mua cá giống và thức ăn khoảng từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/hộ.

 Trong quá trình triển khai, mỗi lớp có khoảng 10 mô hình như vậy và tất cả đều được các kỹ sư tận tình xuống tận địa phương “cầm tay chỉ việc” cho các hộ nông dân làm theo.

 Nhờ đó mà nhiều mô hình đã phát triển rất hiệu qủa và trở thành hợp tác xã (HTX) chuyên về nuôi trồng thủy sản, như HTX Thuận Tiến ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy là một vị dụ.

 Hiện nay HTX Thuận Tiến đã nhân được giống cá rô đồng mới hiệu qủa kinh tế cao hơn giống cũ, sau 8 tháng nuôi đạt trọng lượng từ 500g/con trở lên.

 Nhiều thành viên của HTX không chỉ thoát nghèo bền vững mà không ít hộ đang khấm khá dần lên và có hộ đã thực sự làm giàu từ con cá rô đồng giống mới, như hộ các ông: Trương Phú Quốc và Nguyễn Văn Khải là những ví dụ điển hình.

 Hậu Giang bây giờ đã hình thành hẳn một vùng nuôi cá nước ngọt ở các huyện: Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành A…với nhiều loại cá như: Cá lóc, rô phi, trê, sặt rằn và đặc biệt là cá rô đồng và cá thát lát là hai loại cá đang lên ngôi.

 Mô hình này hiện nay tiếp tục được nhân rộng ở những xã vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Nuôi cá rô đồng đã và đang là một trong những mô hình nuôi cá nước ngọt đem lại lợi nhuận cao được nhân rộng ở địa phương

 Trò chuyện với chúng tôi, ông lãnh đạo UBND xã Lương Nghĩa (Long Mỹ) tỏ ra rất tin tưởng vào dự án nuôi trồng thủy sản giảm nghèo hiện đang triển khai tại điạ phương.

 Đây là dự án nằm trong Chương trình MTQG giảm nghèo được Sở LĐ – TB & XH Hậu Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai tại ấp 10, chủ yếu dành cho đồng bào Khmer, đang phát huy hiệu qủa.

 Dẫn chúng tôi ra ao cá thát lát sắp đến kỳ thu hoạch, ông Nguyễn Văn Nghiêm (có vợ là người Khmer), phấn chấn khoe: “Tôi học xong khóa học về kỹ thuật nuôi cá do kỹ sư Đại học Cần Thơ daỵ rồi bắt tay vào đào ao nuôi luôn, nay mới chỉ hơn 4 tháng, nhưng ước đã đạt trọng lượng gần 500g/con, 2 tháng nũa thu hoạch đạt khoảng 700 – 800g, thế là tốt lắm”.

 Rồi ông Nghiêm nhẩm tính, với 1000 con cá giống khi thu hoạch sẽ đạt khoảng trên 300kg, nhân với giá thị trường hiện nay trung bình 45.000đ/kg, thì hộ ông cũng được một khoản tiền trên chục triệu đồng/vụ. “Đó là một khoản tiền trước đây nằm mơ cũng không thể có được, đối với một hộ nghèo như tôi” – ông bộc bạch.

 Láng giềng với ông Nghiêm, hộ ông Danh Quận (dân tộc Khmer) phối hợp cùng lúc cả mô hình nuôi cá và trồng rau sạch các loại, thu nhập ngày càng ổn định, khoảng vài chục triệu đồng/năm.

 Ông thú thực, nhờ có con cá và cây rau mà nuôi được thằng con trai đầu học đaị học ở Cần Thơ và 4 đứa đang học THCS; THPT ở địa phương.

 Trước lúc chia tay, ông Lâm Khem (Khmer), Trưởng ấp 10, nắm chặt tay tôi hồ hởi nói: “Triển vọng mô hình này tốt lắm. Nếu cứ tiếp tục đạt kết qủa như hiện nay thì sẽ nhiều hộ làm theo, rồi sẽ trở thành một phong trào trong cả ấp. Nguồn nước ở đây rất hợp với con cá thát lát. Làm có ăn thì họ làm à”.

 Trăm nghe không bằng một thấy người nông dân, nhất là người dân tộc Khmer là vậy, thấy làm có ăn, tất họ sẽ làm theo. Tôi cứ ngẫm cái câu một số người dân nói ban sáng rằng: “Hậu Giang đang “cưỡi cá” đi lên” qủa thật có lý”.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh