Hậu Giang: Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo
- Bài thuốc hay
- 20:42 - 29/10/2016
Theo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, những năm qua cơ cấu kinh tế của các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã và đang chuyển dịch đúng hướng, liên tục tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, tỷ lệ nghèo, cận nghèo giảm từ 2 – 3%/năm. Có được kết quả này chính là nhờ vào những chính sách, mô hình, dự án thiết thực nhằm hỗ trợ cho các hộ đồng bào Khmer được lồng ghép triển khai đồng bộ ở địa phương.
Tại xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, các hộ nông dân đồng bào Khmer được hỗ trợ bằng hình thức trao bò, để phát triển chăn nuôi. Theo mô hình này, mỗi hộ được hỗ trợ một con bò cái sinh sản và 12 triệu đồng để xây dựng chuồng, trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Sau khi bò cái sinh bê con biết ăn cỏ thì hộ được hỗ trợ bò cái sẽ trả lại cho mô hình bê con, để tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo khác, còn bò cái sẽ chính thức thuộc tài sản của gia đình. Bằng cách hỗ trợ thiết thực này, sau khi đã hoàn trả con bê giống cho mô hình, chỉ một vài năm nhiều hộ Khmer đã phát triển ngày một tăng số lượng đàn bò của gia đình mình. Nhờ đó mà nhiều hộ nay không chỉ thoát nghèo bền vững, mà đã và đang vươn lên thành hộ khá. Ông Danh Luận là một ví dụ, sau khi được hỗ trợ bò cái sinh sản, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách làm chuồng, chồng cỏ, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống bệnh, nay đã có một đàn bò gần chục con.
Được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển chăn nuôi nhiều hộ đồng bào Khmer ở Hậu Giang đã thoát nghèo bền vững
Là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ đã thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hàng trăm hộ. Phần lớn các hộ được hỗ trợ đã triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt một cách hiệu quả. Nhiều hộ đã biết kết hợp trồng lúa với trồng màu, hoặc trồng cỏ trăn nuôi trâu, bò, đào ao nuôi các loại cá nước ngọt, nhờ đó nhanh chóng thoát nghèo và có tích lũy để mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt.
Năm 2010, gia đình ông Danh So được hỗ trợ 20 triệu đồng để chuộc lại đất sản xuất, ông đã chọn giống lúa thích hợp ở địa phương để trồng 2 vụ/năm đem lại thu nhập ổn định. Tiền tích cóp được từ bán lúa mỗi vụ, ông đầu tư nuôi heo và 2 con trâu sinh sản, rồi trâu sinh nghé và cứ thế phát triển thành một đàn trâu đem lại nguồn lợi nhuận hàng chục triệu đồng/năm. Có thể nói thông qua những chính sách, dự án, mô hình thiết thực hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, với nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, đã và đang tạo đà cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng dân tộc Khmer phát triển và khởi sắc.