Chuyện về người thương binh trồng thanh long
- Người có công
- 13:15 - 23/04/2019
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Khôi chăm sóc vườn cây thanh long.
Lập nghiệp ở vùng đất lịch sử…
Theo chân cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện Điện Biên, vào thăm nhà Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Khôi, ai nấy cũng ngợi khen. Bởi ở tuổi 72, ông Khôi vẫn cần mẫn, chăm sóc vườn thanh long cho hiệu quả cao. Trồng thanh long được hơn 10 năm cũng là khoảng thời gian kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả hơn.
Người cựu chiến binh Nguyễn Xuân Khôi sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình. Thời thanh niên, ông được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường quân ngũ, đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào, Miền Nam từ năm 1971 - 1975. Sau khi phục viên (tháng 11/1976), mang trong mình nhiều thương tật và bệnh tật, song nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, ông đã tham gia xây dựng kinh tế mới tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Trên 40 năm xây dựng quê hương mới tại xã Thanh Xương, với công việc của một nhà nông, bươn chải trong cuộc sống, ông đã xoay rất nhiều nghề nhưng không mang lại hiệu quả, đời sống gia đình ông luôn khó khăn. Với suy nghĩ cần thay đổi cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tìm hiểu nhiều mô hình cải tạo đất, Năm 2007, ông đã đưa cây thanh long vào trồng thay thế những cây trồng cũ trên diện tích 2.000m2, kết hợp chăn nuôi cá, lợn, gà và và 500m2 diện tích rau các loại trên đất một vụ lúa do hợp tác xã giao.
Ông Nguyễn Xuân Khôi chia sẻ: “Là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học 61%, tôi luôn tự nhủ phải làm sao vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con, cho cháu, cho đồng đội cùng học tập kinh nghiệm để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh văn minh”.
Những năm đầu, do chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, bệnh dịch thường xuyên xảy ra, nên gia đình ông đã thua lỗ… Nhưng với ý chí kiên cường, không chấp nhận thất bại của người lính, ông đã kiên trì học hỏi kỹ thuật trồng trọt từ trong sách báo và các mô hình trang trại hiệu quả, cộng với thực tiễn vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm nên các năm tiếp theo vườn cây thanh long của ông từng bước đem lại thu nhập.
Cứ thế ông lấy vốn lãi đầu tư giống kế tiếp, xây đắp ao hồ thả cá trắm, chép, trôi, rô phi…mỗi năm ông thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán cá và cây Thanh long, Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, những loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cũng được đưa vào trồng. Mô hình trang trại tổng hợp của CCB đã mang lại hiệu quả kinh tế cao ổn định cuộc sống.
Người cựu chiến binh gắn bó với cây thanh long
Khắc ghi lời Bác Hồ dạy với tinh thần tiên phong gương mẫu, bên cạnh làm kinh tế Ông Nguyễn Xuân Khôi đã vận động bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của xã Thanh Xương. Nhờ đó mà những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều khu vườn quy mô, trồng các loại cây, nuôi các loại con có giá trị cao. Gia đình ông là một trong những tấm gương tiêu biểu.
Vườn thanh long của gia đình ông được nhiều người trong khu vực biết đến với chất lượng ngon, ngọt, đảm bảo an toàn, mẫu mã đẹp.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Khôi cũng là một trong những thành viên tích cực của hội Cự chiến binh xã, ông thường xuyên trao đổi và hướng dẫn cho những người dân, đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Chặng đường hơn 10 năm gắn bó với cây Thanh long, ông Khôi trải lòng tâm sự: “Để có được vườn thanh long với trái ngọt như ngày hôm nay, bản thân là người Cựu chiến binh, tôi tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; xác định việc lao động sản xuất là để tăng thêm thu nhập gia đình, chăm sóc tuổi già. Chính vì vậy nên tôi luôn tập trung thời gian sản xuất, tăng cường học hỏi, tham gia các lớp tập huấn ở địa phương; áp dụng cách làm phù hợp cho từng loại cây trồng, vật nuôi”
Ông không chỉ trở thành một trong những tấm gương điển hình trong phong trào Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của xã Thanh Xương mà còn là “địa chỉ” luôn sẵn lòng đón các hộ trong vùng, đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ có nhu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đó đã minh chứng cho ý chí, nghị lực và bản lĩnh của những người lính Cụ Hồ.