'Liệt sĩ' 30 năm trở về: Ôm ảnh thờ khóc ngất vì chồng quên tên vợ
- Người có công
- 13:26 - 17/09/2018
Chiều 12/9, ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi) được người thân đón từ Campuchia về nhà.
Bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi, vợ ông Bình) cầm tấm ảnh thờ chồng òa khóc bởi bà không ngờ còn có ngày nhìn thấy chồng bằng xương bằng thịt trở về.
Dù người thân cố khơi gợi trí nhớ bằng cách giới thiệu từng thành viên, thế nhưng, ông Bình cứ hỏi “Hợp là ai?”.
“Nghe tin ông ấy còn sống, tôi mừng quýnh chân. Cám ơn Trời, Phật. Nhưng nay về ông không còn nhớ nổi tên tôi, trên mình đầy thương tích, nửa tỉnh nửa mê”, bà Hợp nghẹn ngào.
Bàn thờ và hồ sơ liệt sỹ Bình
Đưa tay xoa các vết thương của chồng, bà Hợp kể, năm 1976 chồng bà nhập ngũ rồi đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia.
Năm 1988, ông Bình về phép lần cuối. Ít lâu sau, bà nhận được tin chồng hi sinh, cũng là lúc bà mang thai con gái út mới được 3 tháng.
30 năm qua bà Hợp được hưởng chế độ tuất liệt sĩ cơ bản. Hễ nghe ở đâu có nhà ngoại cảm giỏi là bà tìm đến hỏi phần mộ chồng mình.
Đầu năm 2018, anh Trịnh Thanh Hoàng (SN 1985, con trai vợ chồng ông Bình) nhận được thông tin bố mình còn sống tại Campuchia từ một người đồng đội năm xưa của bố.
Người này chỉ nhớ có gặp ông tại Campuchia cách đây mười mấy năm.
Gia đình xúc động ngày đoàn tụ
Anh Hoàng vận dụng các mối quan hệ, dò la tin tức và tìm đến tất cả bạn chiến trường còn sống sót của bố mình.
“May mắn, qua nhiều lần trò chuyện, có đồng đội của bố ở huyện Thạch Hà bảo nhìn thấy bố tôi đang còn sống ở Campuchia. Ông này đã nhờ thêm một người lần theo hình ảnh gia đình cung cấp, và đã tìm thấy bố tôi đang sống với vợ và 5 người con tại vùng hẻo lánh ở tỉnh Battambang. Sau đó, tôi cùng 2 người thân, thuê thêm 1 người phiên dịch, đi tìm bố”, anh Hoàng nói.
“Lúc đến nơi là 1h sáng. Họ chỉ một người đàn ông gầy gò ốm yếu, nằm co ro ở nhà sàn của dân tộc và bảo đấy là bố tôi. Ban đầu tôi sợ, không dám đến gần. Tôi cũng không nhận ra ông bởi bố đi chiến đấu từ lúc tôi còn rất nhỏ.
Nhưng rồi, có động lực nào đó khiến tôi chạy nhào lại ôm lấy ông, còn ông thì đứng yên run lẩy bẩy và nói tiếng Campuchia. Ông chắp tay trước ngực chào tôi. Tôi ôm lấy bố rồi cứ thể mà khóc”, anh Hoàng tâm sự.
Anh Trịnh Thanh Hoàng xúc động trước sự trở về kỳ diệu của bố
Qua lời người phiên dịch, dân làng ở đấy cho biết, vào năm 1988, trong lúc chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông Bình bị thương nặng, mất trí nhớ, bị lạc, được người dân tộc Chăm cứu và cưu mang từ đó tới nay.
“Bố tôi mất trí nhớ, không nhớ ra tên ai. Tôi cùng người thân ở lại chơi vài ngày rồi xin phép đưa bố trở về và được họ đồng ý”, anh Hoàng nói.
Trở về Việt Nam, anh Hoàng ông Bình vào Sài Gòn khám bệnh. Người thân của ông cố nói chuyện để gợi trí nhớ, thỉnh thoảng ông Bình lại đưa tay ra tạo dáng khẩu súng, dí thẳng vào bụng và nói: “Địch nó bắn pằng pằng vào đây”. Rồi lại chỉ tay lên đầu: “Mảnh đạn đang còn trong này”.
Bác sĩ cho biết sức khỏe ông Bình rất yếu, lách bị cắt, đạn xuyên làm gãy hết răng.
“Do trên đầu bố tôi có một vết thẹo to, và lúc bố tôi nhớ lại thì bảo còn có mảnh vỏ đạn trong đầu nên bác sĩ bảo tạm thời chưa cho chụp chiếu ở não, vì sợ ông sẽ bị liệt”, anh Hoàng nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Hương Khê cho biết, đơn vị đang hướng dẫn gia đình làm đơn trình báo, và gửi báo cáo xuống sở để xin ý kiến chỉ đạo.
“Sau khi nắm được thông tin sẽ tạm dừng chi trả chế độ tuất liệt sĩ cho vợ ông Bình. Sau này gia đình có đơn xin xét duyệt chế độ thương binh, bệnh binh thì phòng sẽ hướng dẫn làm thủ tục cần thiết”, bà Nguyệt nói.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Trung tâm điều dưỡng NCC & BTXH tỉnh Hà Tĩnh: Mang Xuân yêu thương đến cho các đối tượng
Với chức năng, nhiệm vụ là tổ chức quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng chính sách người có công, các đối tượng người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và tổ chức...
11 tháng trước
Tin nên đọc