CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:19

Hà Tĩnh: Nước mắt tao ngộ của gia đình liệt sĩ trở về sau 30 năm

Ông Trịnh Thanh Bình và vợ con

 

Trong căn nhà đơn sơ của bà “quả phụ” Nguyễn Thị Hợp ở xóm 6, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), chúng tôi được chứng kiến niềm vui khôn xiết đến vỡ òa nước mắt của gia đình bà cùng bạn bè thân thích và làng xóm, trước sự trở về bằng da, bằng thịt của ông Trịnh Thanh Bình (chồng bà Hợp) người đã bị mất tích từ năm 1988 và được công nhận liệt sĩ từ năm 1992 vì hy sinh tại chiến trường Campu chia, mặc dù ông trở về bằng tấm thân tàn phế và không còn nhớ rõ tiếng mẹ đẻ.

Theo biên bản làm việc lúc 14 giờ 30 phút ngày 13/9/2018, giữa gia đình ông Bình với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Hương Khê, ghi rõ: “Theo hồ sơ lưu tại Phòng LĐ - TB - XH huyện Hương Khê, ông Bình SN 1956, quê quán xã Gia Phố, huyện Hương Khê, nhập ngũ năm 1976, cấp bậc khi hy sinh là Trung úy, đơn vị khi hy sinh là Đoàn 7704MT479 Quân khu 7, hy sinh ngày 16-7-1988 tại chiến trường Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tin, theo giấy báo tử ngày 21-7-1992 của Tỉnh đội Hà Tĩnh. Bằng Tổ quốc ghi công số DG415BT theo quyết định số 222CTKT ngày 2-10-1992… Về chế độ chính sách, các chế độ ưu đãi liên quan đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ Bình kể từ ngày 12-9-2018 trở về trước được thực hiện đầy đủ...".

Bà Nguyễn Thị Hợp soạn ban thờ  để cất ảnh chồng và bằng tổ quôc ghi công 

 

Anh Trịnh Thanh Hoàng (32 tuổi, con trai của ông Bình) cho biết, gia đình đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm mộ liệt sĩ Bình, anh đã gặp không biết bao nhiều người đồng đội cũ của cha, nhưng họ chỉ nói cuộc chiến tranh ở Campuchia bao người không trở về và không tìm được xác chứ đâu phải mình cha anh. Tuy biết vậy, nhưng anh Hoàng vẫn không nản lòng, anh tiếp tục tìm kiếm ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ, tham khảo trên mạng internet và gõ cửa các trung tâm ngoại cảm, nhưng chỗ này chỉ một đường, chỗ kia chỉ một nẻo, cuối cùng vẫn bặt vô âm tín. 

Mãi tới đầu năm 2017 anh Hoàng mới gặp được ông Nguyễn Hữu Thọ, quê ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, (Hà Tĩnh) là đồng đội với ông Bình từng chiến đấu ở Campuchia, nhưng khác đơn vị. Sau khi về nước ông Thọ thường xuyên qua lại đất Campuchia làm ăn, ông có nhiều mối quan hệ quen biết với những đồng đội cũ nên đã thông báo cho mọi người về sự việc như gia đình ông Bình trình bày. Không ngờ qua ông Thọ, một đồng đội gần gũi của ông Bình là ông Nguyễn Thái Sơn quê ở Ba Vì (Hà Nội), sinh sống ở  Campuchia đã có vợ con bên đó (hiện vợ ông đã chết, ông ở với con) đã thông báo cho gia đình ông Bình biết, ông Bình còn sống ở tại Campuchia.

Không đợi lâu, sau khi được Phòng LĐ -TB&XH huyện Hương Khê hướng dẫn làm đầy đủ các thủ tục giấy tờ, đến ngày 5/9/2018, gia đình ông Bình đượng ông Nguyễn Hữu Thọ đưa  sang Campuchia, và đến ngày 7/9 thì tiếp cận được ông Bình tại phum Khum Xơ Nây, huyện Bà Non, thuộc tỉnh Battambang đưa ông Bình về thủ đô Phnôm Pênh, sau đó về TPHCM và đón tàu về nhà tại thị trấn Hương Khê…

Ông Bình bị đa chấn thương nặng, cắt bỏ hết lách 

 

Lúc sang bên Campuchia, gia đình được người dân bản địa kể lại: Trước đó năm 1988, họ phát hiện ông Bình trong bìa rừng gần khu vực biên giới Campuchia - Thái Lan trong tình trạng hôn mê bất tỉnh do bị đạn và bị bom mìn gây chấn thương nặng ở hộp sọ, chảy máu tai, rụng hết răng, dập hết lách…  được bà con dân tộc ở đó đã đưa về trạm xá địa phương cấp cứu và sau đó đưa về nhà  dân chữa trị chăm sóc cho đến nay.

Do ảnh hưởng trí não, và 30 năm ở tại vùng hẻo lánh bên đất nước Campuchia, không tiếp xúc được với người Việt Nam. Nơi ông Bình ở xa xôi heo hút hàng ngày không có các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô chạy qua … nên hầu như ông Bình đã quên tiếng Việt. Hiện gia đình đang tập trung tập cho ông nói lại tiếng Việt và rèn luyện trí nhớ.

Ngay sau khi ông Bình được đưa trở về gia đình vào ngày 12/9, cơ quan chức năng ở huyện Hương Khê cùng người dân địa phương đã đến động viên, chia sẻ, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Khê cũng đã đến thăm hỏi và tặng quà. Hiện phía gia đình ông Bình cũng đã có đề nghị chính quyền địa phương cấp giấy tờ tùy thân, giấy chứng minh nhân dân, ghi tên vào sổ quản lý hộ khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh; đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự huyện tạo điều kiện cấp giấy giới thiệu cho ông Bình đến các bệnh viên quân y để khám chữa bệnh; đề nghị các cấp có liên quan hướng dẫn gia đình xây dựng hồ sơ hưởng chế độ thương binh cho ông…

Lãnh đạo chính quyền thị trấn Hương Khê đến động viên chia sẻ và tặng quà cho ông Bình 

 

Trước khi chia tay gia đình ông Bình ra về chúng tôi được bà Nguyễn Thị Hợp vợ ông vui vẻ cho biết rằng, đêm qua bà nằm ngủ gối tay ông nghe ông nói dù không ra giọng, nhưng là vợ chồng đã có 3 mặt con nên bà đoán được được ý ông muốn nói rằng:  Đáng lẽ anh chết 5 lần rồi, anh về được đây là hạnh phúc lắm rồi, anh sống nhờ một ông xe bò chở về trạm xá và người dân nuôi đến tận này nay.

Trước đó, lần đầu ông Bình từ Campuchia về phép cưới bà Hợp năm 1980 là người cùng huyện ở xã Hương Thủy, sinh được 3 người con, con gái đầu của ông bà là chị Trịnh Thị Phương (SN 1980) nhưng thực tế  do hoàn cảnh khó khăn, sau này bà Hợp thay đổi ngày khai sinh cho con để đủ tuổi đi làm giày da tại miền Nam; anh Anh Trịnh Thanh Hoàng (SN 1986) nay làm bảo vệ cho Tòa án huyện Hương Khê; Trịnh Thị Huế (SN 1989), sau chuyến về phép cuối cùng năm 1988 của ông Bình nên ông giờ là lần đầu ông Bình được nhìn đứa con gái út của mình.

Không dấu tình thương vô bờ dành cho ông chồng, bà Hợp gạt nước mắt tâm sự: Trong thời gian mấy mươi năm ấy ông Bình sống được là nhờ ơn của những người dân Campuchia, mặc dù bên đó ông đã xây dựng gia đình, có 5 người con riêng nhưng tất cả cũng chỉ vì chiến tranh mà thôi!

 

Hồ sơ LS của ông Bình

 

Hồ sơ LS của ông Bình

Hồ sơ LS của ông Bình

Người dân thị trấn Hương Khê đến chúc mừng gia đình ông Bình

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh