THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:21

Hà Nội: Gần một thế kỷ sử dụng đất ổn định nhưng không được công nhận

Mảnh đất gia đình ông Tác sử dụng gần một thế kỷ, đã xây nhà nhiều năm trời, không có tranh chấp với ai, nhưng bị thu hồi mà không được đền bù.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Đình Tác (85 tuổi), thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội), gia đình ông có mảnh đất rộng 326m2 tại thôn Thượng, nằm cách đường Nguyễn Xiển (hiện nay) khoảng 30m, đất do cha ông để lại từ năm 1936. Khoảng năm 2001 gia đình xây dựng 1 căn nhà cấp 4 để ở, cho đến nay không có tranh chấp. Quá trình sử dụng, gia đình có khai hoang thêm. “Trước đây mấy lần tôi lên nộp thuế đất và xin làm giấy xác nhận quyền sử dụng đất, nhưng cán bộ xã không thu và không tiếp nhận hồ sơ”, ông Tác cho hay.

Chị Nguyễn Thị Kim Phi, con gái ông Tác cho biết, cách đây không lâu, UBND xã Thanh Liệt thông báo cho gia đình tôi về việc thu hồi đất để phục vụ dự án xây dựng Tòa nhà An Cư - Cowaelmic, gia đình có 2 thửa đất: thửa thứ nhất có diện tích 288m2 (thuộc thửa số 5, tờ bản đồ số 1) có giấy tờ nên được đền bù, nhưng hiện gia đình vẫn chưa thỏa thuận xong; thửa thứ 2 có diện tích 326m2 (thuộc thửa 41, tờ bản đồ số 1 và 2), do trong sổ địa chính, gia đình không có tên nên không thuộc diện được đền bù, mà chỉ được đền bù tài sản trên đất như cây trồng, nhà ở... với mức giá chưa đến 10 triệu đồng, nên gia đình không đồng ý.

Cũng theo phản ánh, dù dự án không thu hồi hết mảnh đất này, chỉ thu hồi một phần, nhưng hiện chủ đầu tư đã quây tôn kín hết toàn bộ diện tích thửa đất và đường đi vào. “Chúng tôi biết đi đường nào để vào canh tác phần đất còn lại”, chị Phi nói.

Theo Thông báo số 275/TB-UBND, ngày 9/5/2016  của UBND huyện Thanh Trì về việc thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư: Tòa nhà An Cư - Cowaelmic tại thôn Thượng, xã Thanh Liệt, diện tích đất thu hồi khoảng 2.573m2. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hải Yên, cán bộ địa chính xã Thanh Liệt lại khẳng định với phóng viên, tổng diện tích dự án khoảng 3.500m2 theo chỉ giới cắm mốc của Sở TN&MT Hà Nội. Cũng theo bà Yên, trước việc khiếu nại của gia đình ông Tác, UBND huyện Thanh Trì và xã Thanh Liệt đã thành lập tổ công tác nhằm xác minh quyền sử dụng đất. Song kết quả xác minh thì UBND huyện giữ, chứ xã không được giữ (?).

Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt thừa nhận, không chỉ thửa đất số 41 mà gia đình ông Tác đang đòi quyền lợi, mà phần lớn cả vùng đất thuộc dự án và cái ao trước đây vốn là của gia đình ông Tác. Sau này HTX trưng thu. Tuy nhiên, theo ông Phong, việc trưng thu đất của gia đình ông Tác cũng là “nghe kể lại” chứ cũng không có bằng chứng nào thể hiện việc trưng thu. Cũng theo ông Phong, thửa đất số 41 trước nằm sát mặt ao, sau này bị san lấp nên hiện không rõ nằm ở vị trí nào.

Chưa thỏa thuận đền bù xong, thế nhưng dự án đã được quây tôn kín.

Về việc ông Tác có mấy lần lên xã nộp thuế đất nhưng cán bộ không thu, ông Phong cho biết: “Thời điểm đó Nhà nước có chính sách miễn thuế đối với đất nông nghiệp nên cán bộ xã không dám thu, chứ không có chuyện xã cố tình làm khó gia đình ông Tác”.

Dù thừa nhận gia đình ông Tác đã sử dụng đất hàng chục năm trời, năm 1999 gia đình ông Tác đã xây dựng một căn nhà cấp 4 trên diện tích đất này, thế nhưng cuối cùng vị Chủ tịch xã này lại khẳng định: “Thửa đất số 41 có trên bản đồ địa chính cũng như sổ mục kê xã, nhưng không có ai kê khai, không rõ ai đứng tên... và vì không có ai kê khai nên đất đó là của xã” .

“Một mảnh đất vàng ở giữa Thủ đô, người dân sử dụng ổn định gần một thế kỷ, không có tranh chấp, thậm chí xây nhà trên đất nhưng chính quyền không có ý kiến. Đến khi hình thành dự án, được đền bù thì lúc đó chính quyền lại cho rằng đó là đất công thì thật phi lý...”, ông Tác bức xúc.

Đề nghị UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo UBND huyện Thanh Trì xác minh làm rõ nguồn gốc đất trên, bảo đảm quyền lợi công dân, tránh khiếu kiện kéo dài.

CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh