THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:38

Hà Nội: Dành mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công

 

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Báo Lao động Xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH xung quanh vấn đề này.

*Là một trong  những địa phương có đông đối tượng NCC với cách mạng, vậy việc triển khai các chính sách đối với NCC đã được thực hiện như thế nào thưa ông?

- Hà Nội có khoảng 800.000 NCC, trong đó gần 98.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.  Trong rất nhiều năm qua lãnh đạo UBND, HĐND thành phố Hà Nội và các tổ chức đoàn thể rất quan tâm việc triển khai Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và các chính sách khác về kinh tế - xã hội đối với NCC. Cùng với đó các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” cũng được triển khai sâu rộng tạo nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống NCC. Chính vì vậy nhiều chính sách của Hà Nội vượt trội hơn, đi trước trung ương. Ví dụ như: Thăm tặng quà NCC vào dịp lễ, Tết, ngày 27/7, ngoài suất quà của Chủ tịch nước, Hà Nội có quà riêng cho các đối tượng. Trước đây điều dưỡng luân phiên 5 năm/lần, nhưng năm 2012, thành phố có Nghị quyết về hỗ trợ công tác điều dưỡng luân phiên đối với NCC từ 5 năm/lần xuống 2 năm/lần (sau này trung ương áp dụng lại chính sách của Hà Nội) ; mức phụng dưỡng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được điều chỉnh tăng từ 400.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng và hiện nay đã tăng lên mức từ 700.000 đồng/tháng đến 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra các thương, bệnh binh được tặng xe buýt miễn phí…

Ngày 7/6/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND về “Thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng giai đoạn 2016-2020” với mục đích: Tăng cường việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, đáp ứng nguyện vọng của NCC và toàn xã hội. Hà Nội cũng sẽ tập trung giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng để bảo đảm các đối tượng được thụ hưởng một cách tối đa.

*Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, việc huy động các nguồn lực chăm lo đời sống người có được thực hiện như thế nào thưa ông?

Nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, ưu đãi của Nhà nước, Thành ủy, UBND thành phố đã thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, cùng tham gia quan tâm chăm lo cho đối tượng chính sách. Công tác xã hội hóa việc chăm sóc NCC ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tham gia. Từ năm 2008 đến nay, đã có khoảng 5.000 ngôi nhà được sửa chữa và xây mới cho NCC với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; tặng hơn 36.000 sổ tiết kiệm cho NCC; hơn 200.000 lượt NCC được điều dưỡng luân phiên và vận động được trên 200 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… Hiện nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tổ chức, đơn vị phụng dưỡng với mức tiền từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng...

*Hà Nội đề ra kế hoạch, đến ngày 27/7/2017, sẽ hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho NCC với các mạng, vậy xin ông chia sẻ những kinh nghiệm của Hà Nội trong việc triển khai QĐ22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

Từ năm 2013, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ 22, Hà Nội đã rà soát và trình Bộ LĐ-TB&XH đồng ý đề án theo Quy định 1733 hỗ trợ nhà ở NCC năm 2013, trong đó có 551 nhà đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ đợt 1. Đến 2016, thành phố ban hành kế hoạch 190 về việc triển khai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở NCC theo quyết định 22 hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Nghĩa là trước 27/7/2017 phấn đấu hoàn thành hỗ trợ hết nhà ở NCC.

Tính đến ngày 31/5/2017, 7.223 hộ (95,5%) đã hoàn thành và đang thực hiện xây dựng sửa chữa nhà ở, còn 226 hộ (2,9%). Thành phố Hà Nội phấn đấu đến 27/7 sẽ giải quyết xong, hoàn thành công tác xây dựng, sữa chữa nhà ở của người có công trước ngày 27/7. Theo quy định của trung ương mức hỗ trợ xây mới 40 triệu, Hà Nội xã hội hóa thêm và hỗ trợ cho các gia đình xây mới 30 triệu đồng nữa mức tổng cộng là 70 triệu đồng;  sửa chữa 20 triệu xã hội hóa thêm 15 triệu nữa là 35 triệu.

Phải nói rằng, việc triển khai hỗ trợ nhà ở NCC đã được Tp Hà Nội triển khai rất bài bản. Từ cấp xã, huyện, thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ nhà ở NCC. Hình thức xã hội hoá đa dạng, huy động mọi nguồn lực tham gia. Ngay sau khi thành phố ban hành kế hoạch 190, lãnh đạo Hà Nội tổ chức hội nghị trong  đó có 30 Chủ tịch huyện ký cam kết là sẽ hoàn thành hỗ trợ nhà ở NCC trước 27/7, 43 đơn vị, doanh nghiệp cam kết ủng hộ 104 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở NCC.

*Năm 2017, ngành LĐ-TB&XH đề ra chỉ tiêu giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng NCC, vậy Hà Nội đã triển khai chỉ tiêu này của ngành như thế nào thưa ông?

Bộ LĐ-TB&XH ban hành quyết định 408 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng. Theo các đối tượng được quy định tại Quyết định 408 thì Hà Nội không còn hồ sơ nào, tuy nhiên, hiện Hà Nội có 40 hồ sơ nằm ở người dân (không thuộc đối tượng quyết định 408) chứ không nằm ở cơ quan công quyền,  Sở LĐ-TB&XH đã báo cáo  và xin ý kiến Bộ, nếu Bộ đồng ý thì triển khai xét duyệt theo quy trình.

Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN SÍU (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh