Hà Nội: Khuyến khích người nghiện tự đi cai
- Pháp luật
- 19:27 - 17/03/2016
Số người cai nghiện tự nguyện tăng cao
Trên toàn địa bàn Hà Nội, tính chỉ tiêu chung cả cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc đạt 154%, trong đó số người tham gia cai nghiện bắt buộc là 150 người/1000 người, chỉ đạt 15%, nhưng số người tham gia cai nghiện tự nguyện lại rất cao: Năm 2015 là 2.166 người, đạt 433% chỉ tiêu được giao, góp phần đảm bảo an sinh và giữ vững an ninh trật tự xã hội.
Thống kê của Công an TP. Hà Nội, tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn có 14.416 người nghiện, trong đó có mặt tại cộng đồng là 7.389 người, vắng mặt 1.392 người, số đang cai nghiện tại các trung tâm là hơn 3.400 người, cai nghiện tại các cơ sở do ngành công an quản lý là 2.230 người. Ngoài ra, một số trung tâm khác hiện đang quản lý 754 học viên là người ngoại tỉnh.
Năm 2016, Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả thực hiện thí điểm Đề án điều trị thay thế bằng Methadone, điều trị ổn định cho 3.675 người nghiện ma túy tại 17 cơ sở, phấn đấu đến cuối năm có 8.500 lượt người được điều trị thay thế bằng Methadone. Hà Nội cũng đặt mục tiêu cai nghiện ma túy bắt buộc cho 740 người; tổ chức cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện cho 3.000 lượt người; cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 300 người, quản lý sau cai nghiện tại trung tâm là 1.568 người, quản lý sau cai tại nơi cư trú cho 2.844 người. Hà Nội cũng duy trì hoạt động 15 câu lạc bộ quản lý sau cai; tổ chức dạy nghề cho 370 người nghiện, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại các trung tâm quận, huyện, thị xã.
Khó xử lý hoạt động mại dâm
Hiện trên địa bàn Hà Nội có 17 điểm, tụ điểm mại dâm, trong đó 7 tụ điểm công cộng và 10 tụ điểm mại dâm trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Hoạt động mại dâm công cộng rất khó xử lý. Trong khi đó, mại dâm hình thức “gái gọi” có chiều hướng gia tăng, liên kết với nhau thành từng nhóm, hình thành đường dây liên tỉnh hoặc móc nối với hướng dẫn viên du lịch, nhằm cung cấp gái bán dâm cho khách đến các điểm du lịch ở trong và ngoài nước.
Trong năm 2015, các cơ quan chức năng đã triệt phá 234/200 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 1.109 đối tượng, triệt xóa một tụ điểm mại dâm công cộng tại khu vực đường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Để ngăn ngừa tình trạng tái phạm, công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho người bán dâm được chú trọng quan tâm.
Sau 3 năm triển khai, Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội” giai đoạn 2011 - 2015 đã đem lại hiệu quả tích cực. Dự án đã tiếp cận, truyền thông cho gần 1.200 chị em và 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; tổ chức các khóa tập huấn trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc với người bán dâm cho 170 cán bộ trong Ban dự án và các ngành liên quan; đồng thời tổ chức 8 khóa học nghề cho 82 chị em, hỗ trợ lập nghiệp 40 mô hình sinh kế cho 43 chị em.
Tuy nhiên, theo ông Thức, công tác phòng chống hoạt động mại dâm vẫn thiếu sự phối hợp cũng như kinh phí, dẫn đến không quản lý được số người hoạt động mại dâm trên địa bàn. Do không nắm bắt được thông tin sau khi xử lý vi phạm nên không thể tiếp cận được người bán dâm để tư vấn, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ.