THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:47

Công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng ở Đà Nẵng: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

 

Hơn 190 trường hợp đang cai nghiện tại gia đình- cộng đồng

  Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn, tính đến tháng 10/2015, thành phố có 191 người đang cai nghiện tại gia đình - cộng đồng. Trong đó, quận Hải Châu: 37 người, quận Sơn Trà: 17 người, quận Cẩm Lệ: 50 người, huyện Hòa Vang: 27 người, quận Liên Chiểu: 29 người, Thanh Khê: 23 và quận Ngũ Hành Sơn: 8 người.

Công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn (ảnh minh họa)

Các trường hợp tham gia cai nghiện tại gia đình - cộng đồng đều được địa phương lập hồ sơ theo đúng quy định, quy trình và xây dựng kế hoạch cai nghiện cho từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, quy trình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được thực hiện theo phương thức cắt cơn giải độc tại các cơ sở điều trị là trung tâm y tế các quận, huyện hoặc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; sau đó được chuyển về gia đình để tiếp tục thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng.

Cai nghiện tại gia đình - cộng đồng cũng có 2 biện pháp, gồm cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Các trường hợp tham gia cai nghiện tại gia đình - cộng đồng hiện nay trên địa bàn phần lớn đã được lập hồ sơ theo quy định, đưa đến trung tâm y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị cắt cơn, giải độc.

Cùng với công tác cắt cơn, giải độc, Tổ công tác cai nghiện tại địa phương cũng sẽ tiến hành họp xét phân công các thành viên trong tổ theo dõi, quản lý người cai nghiện tại gia đình-cộng đồng.

Đối với các trường hợp gần hết thời gian cai nghiện tại gia đình-cộng đồng, để đảm bảo người cai nghiện chấp hành tốt các quy định trong quá trình tham gia cai nghiện, Tổ công tác sẽ tổ chức họp và đề nghị Công an tiến hành thử test, nếu kết quả âm tính mới cấp Giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình-cộng đồng.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Không thể phủ nhận hiệu quả từ công tác cai nghiện tại gia đình – cộng đồng mang lại, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy tỷ lệ người tham gia cai nghiện theo mô hình tại gia đình- cộng đồng ở Đà Nẵng vẫn chỉ dừng lại ở con số không đáng kể, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số gần 1.000 người đang tham gia cai nghiện bằng nhiều hình thức khác nhau trên địa bàn thành phố. 

Lý do được đưa ra là còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng. Trong đó, có cả những lý do đến từ chính bản thân và gia đình người nghiện, bởi đa số chưa tự giác đăng ký cai nghiện.

 Ông Võ Công Hùng, một cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội phường Nam Dương, quận Hải Châu cho biết: Không chỉ chưa tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình- cộng đồng mà thực tế việc vận động các gia đình có người nghiện cũng là cả một công việc vô cùng khó khăn. Chưa kể, việc thực hiện cắt cơn, giải độc cho người nghiện hiện nay cũng gặp nhiều trở ngại về mặt kinh phí.

Theo chia sẻ của một số gia đình có con em đang cai nghiện tại gia đình- cộng đồng, mức hỗ trợ 400.000 đồng/người/lần như quy định hiện nay để điều trị cắt cơn, giải độc là quá thấp, trong khi chi phí tiền thuốc điều trị cho công tác cắt cơn, giải độc tại các cơ sở điều trị thường vượt xa so với con số này. Hầu hết các gia đình đều phải tự lo bù thêm chi phí, trong khi không ít gia đình có con em bị nghiện đều thuộc hoàn cảnh khá khó khăn, không đủ khả năng chi trả số tiền khoảng hơn 2 triệu đồng/người/lần như phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê thực hiện cắt cơn, giải độc cho người cai nghiện tại Bệnh viện Tâm thần.

Trong khi theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, hiện việc cắt cơn, giải độc cho người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng của các Trung tâm Y tế quận, huyện cũng chưa được đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân lực.  Người nghiện ma túy có thể làm ảnh hưởng đến các đối tượng đang khám chữa bệnh thông thường tại Trung tâm Y tế, khó kiểm soát việc thẩm lậu ma túy, nhất là khi người cai nghiện không tự giác tuân thủ thực hiện các quy định hiện hành.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho rằng, để công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng đạt hiệu quả, bên cạnh các yếu tố khách quan, rất cần phải có sự nỗ lực, vào cuộc từ nhiều phía, bao gồm cả chính bản thân người nghiện cũng như sự phối hợp đồng bộ, quan tâm của các cơ sở điều trị, nhất là sự chia sẻ về các chi phí thuốc men trong quá trình cắt cơn, giải độc cho người nghiện, bởi hầu hết các gia đình có người nghiện đều có hoàn cảnh khó khăn. 


BÙI MINH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh