CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:54

Nghệ An - Đà Nẵng trao đổi giải pháp đưa người vào trung tâm cai nghiện bắt buộc

 

Nghệ An gặp khó

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.

Theo ông Lê Xuân Đại, tỉnh Nghệ An hiện có gần 7.300 người nghiện có hồ sơ quản lý. Có 8 trung tâm có chức năng cai nghiện và quản lý sau cai, với quy mô 1.700 học viên, trong đó có 4 trung tâm cấp tỉnh và 4 trung tâm cấp huyện. Ông Đại cho rằng, việc triển khai Nghị định 221/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ở Nghệ An gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. "Cụ thể như việc quy định sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đại diện hợp pháp của họ. Khi biết thông tin này, người nghiện thường bỏ trốn. Vì vậy cơ quan chức năng rất khó để giải quyết", ông Đại đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An nêu thực trạng: Nghị định quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ làm hồ sơ, thủ tục được giao cho các tổ chức xã hội quản lý nhưng không quy định rõ là cơ quan, tổ chức xã hội nào, kinh phí và quản lý như thế nào. Đà Nẵng đã giải quyết vấn đề trên ra sao?

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và đại diện TAND tỉnh cho rằng, thời gian để đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm được quy định khoảng 40 ngày là quá dài, phải qua nhiều cơ quan thẩm định với nhiều thủ tục khác nhau. Mặt khác, sau khi tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ, Tòa án cấp quận, huyện tiến hành họp để phán quyết. Tại cuộc họp yêu cầu người nghiện hoặc người đại diện hợp pháp phải có mặt, nếu vắng mặt có lý do thì hoãn phiên tòa. Đây là một kẽ hở để người nghiện ma túy trốn tránh việc đi cai nghiện bắt buộc. Đại tá Cầu mong muốn Đà Nẵng nêu cách làm, giải pháp để khắc phục những khó khăn này…

Ông Lê Xuân Đại phát biểu ghi nhận ý kiến.

Đà Nẵng "gỡ vướng" ra sao?

Về vấn đề ông Lê Xuân Đại nêu, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng đã nêu các giải pháp của Đà Nẵng thực hiện trong công tác cai nghiện ma túy. Đó là, ngay sau khi phát hiện và hoàn tất lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Cơ quan Công an (cơ quan lập hồ sơ) cho người nghiện bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc và ký vào Thông báo về việc bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đảm bảo theo thủ tục của Tòa án). Đồng thời, làm việc với người thân trong gia đình của người bị đề nghị theo 2 hướng: nếu gia đình cam kết có đủ điều kiện và quản lý được người nghiện trong thời gian cho bảo lãnh thì tiến hành cho gia đình bảo lãnh; nếu gia đình không có điều kiện quản lý đối tượng hoặc có đơn từ chối tiếp nhận thì chuyển người đó vào cơ sở quản lý lưu trú tạm thời.

* Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 28/2014 của UBND TP Đà Nẵng, tính đến ngày 15/12/2015, toàn thành phố Đà Nẵng đã lập hồ sơ áp dụng các hình thức, biện pháp cai nghiện cho 948 lượt người (ngoại tỉnh 115 người).

Liên quan đến những vướng mắc mà ông Nguyễn Bằng Toàn nêu, đại diện Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: Ngày 23/10/2014, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có Quyết định 7557 thành lập Cơ sở quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cơ sở này nằm cạnh Trung tâm 05-06, cũng thực hiện chức năng nuôi dưỡng, tư vấn, giáo dục, hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện cho các đối tượng nghiện như là Trung tâm 05-06. Kinh phí phục vụ cho hoạt động của Cơ sở sử dụng nguồn kinh phí địa phương.

Về vấn đề Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nêu, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Tòa án, Công an TP Đà Nẵng cho biết: Ngày 9/6/2014, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định 28 ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn. Nội dung Quy chế là giao cho lực lượng Công an và các ngành liên quan trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện người nghiện phải mời cán bộ y tế (đã được tập huấn, có giấy chứng nhận theo quy định) có mặt xác định tình trạng nghiện; yêu cầu người vi phạm hoặc mời người giám hộ đọc và ký vào hồ sơ.

Trong thời gian 3 ngày phải chuyển qua Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (thành lập Tổ tư vấn tại các quận, huyện). Trong thời gian 3 ngày làm việc, Tổ tư vấn phải thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ gửi Tòa án quận, huyện cùng cấp xét xử trong thời gian sớm nhất. "Như vậy, thời gian các cơ quan lập, thẩm định hồ sơ đến khi Tòa án ra quyết định đưa đối tượng vào Trung tâm cai nghiện chỉ từ 15 đến 20 ngày thay vì 35 đến 72 ngày theo Nghị định 221", bà Nguyễn Thị Thanh Hưng nói.

Về "kẽ hở" mà người nghiện có thể trốn tránh việc đi cai nghiện bắt buộc như Đại tá Cầu đã nêu, đại diện TAND TP Đà Nẵng cho biết: Tất cả những người có cư trú ổn định được gia đình bảo lãnh về để quản lý là những người có thể quản lý được, có ý thức chấp hành nên việc viện lý do để hoãn phiên tòa gần như không xảy ra. Ngoài ra, để đảm bảo thuận lợi cho quá trình xét xử số người nghiện có biểu hiện chống đối, TAND các quận, huyện tổ chức xét xử lưu động ngay tại cơ sở lưu trú tạm thời đối với những người được đưa vào cơ sở này để quản lý…

Tại buổi làm việc, rất nhiều vấn đề liên quan do Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đặt ra, đã được các ngành chức năng TP Đà Nẵng trao đổi, nêu giải pháp, kinh nghiệm tháo gỡ, thực hiện. Ông Lê Xuân Đại cho rằng, đó là những kinh nghiệm hay, thiết thực và có hiệu quả. "Sau buổi làm việc này, UBND tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tiếp thu, nghiên cứu và có thể áp dụng để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương", ông Đại cho biết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh