Hà Linh kể chuyện âm nhạc qua “Nàng thơ”
- Văn hóa
- 13:21 - 09/11/2019
Với tính cách nổi loạn và không thích lối cũ mòn trong nghệ thuật, nhiều năm qua, Hà Linh gần như im hơi lặng tiếng với âm nhạc. Chính vì vậy, album "Nàng thơ" là bước đi tiên phong trong nghệ thuật âm nhạc của nước nhà. Đây cũng chính là sản phẩm âm nhạc đầu tiên thể loại Poetry jazz được sản xuất và phát hành tại Việt Nam.
Hà Linh cho biết, cô không thích lối mòn. Cô yêu thơ Trần Dần và độc tôn sự sáng tạo. Chính vì lẽ thế, gần 10 năm đi hát, Hà Linh vẫn chỉ có duy nhất một album mang tên "Hồi sinh" năm 2014. Ngày ra mắt album, các họa sĩ hàng đầu cũng như nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nhà sản xuất âm nhạc xuất hiện trong chương trình sắp đặt giữa âm nhạc - hội họa - thi ca, một cuộc nghệ thuật sắp đặt về ý niệm và sinh tử.
Hà Linh là ca sĩ nữ duy nhất vừa được tham dự Festival Âm nhạc Châu Á tại Trung Quốc với vai trò vocalist. Festival này có hơn 300 nghệ sĩ từ 23 dàn nhạc giao hưởng trong số 24 quốc gia trên toàn thế giới góp mặt, được tổ chức thường niên và rất quy mô. Tại Festival này, cô đã biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tác phẩm hòa tấu "Âm & Dương" do Nhà sản xuất - nhạc sĩ Nguyễn Bảo Long chồng cô viết và hòa âm. Liên hoan cũng đánh dấu sự trở lại của cô sau hơn 1 năm vắng bóng.
Hà Linh từng luẩn quẩn trên con đường âm nhạc của mình. Cô không có bệ đỡ ban nhạc, thiếu nhà sản xuất hiểu thứ cô làm, và thiếu một thị trường âm nhạc đa sắc màu mà cô mong muốn được sáng tạo. Cho đến thời điểm này, Hà Linh khẳng định: "Tôi có sự chín muồi trong cái cũ, có bệ đỡ là nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Bảo Long và band Jumpforjazz. Tôi được tiếp cận, được truyền cảm hứng từ chính người thầy, cũng chính là chồng tôi cùng ban nhạc của anh. Anh như nước lớn và đẩy con thuyền là tôi ra xa đến đại dương. Tôi biết mình cần phải làm gì với jazz, thứ âm nhạc huyền diệu mà chúng tôi đã theo đuổi. The Muse – "Nàng Thơ" là một bước nhỏ để thử nghiệm thị trường tại Việt Nam. Và tôi tin vào bước những bước đi đầu tiên của mình với jazz".
Để hiểu hơn về album The Muse - Nàng thơ, diễn nôm ra là giọng Hà Linh và Jordon Carr đọc thơ của Phan Lê Hà. Nó bao gồm 4 màn: Từ thoại – độc thoại – đối thoại – giao thoại trên nền nhạc jazz của nghệ sĩ Bảo Long. Tuy nhiên, để hiểu về Poetry jazz thì cần biết được, đây không phải là một thể loại âm nhạc mới, nhưng cũng không phải 1 xu hướng sẽ phát triển trong tương lai. Nó xuất hiện cực kì sớm, gần như cùng thời điểm khởi thuỷ của nhạc jazz. Poetry jazz từ lâu đã trở thành một loại hình nghệ thuật "ngoại đạo" tồn tại bên ngoài dòng chính (Mainstream), hình thành vào những năm 1920 do những người Mỹ gốc Phi đi tiên phong, nở rộ vào những năm 1950. Nó được các nhà phê bình suy đoán là khởi nguồn của nhạc hip-hop và các sự kiện trình diễn live thơ (hay còn gọi là Poetry Slam) sau này.
Để nói về sự kết hợp giữa 3 cá nhân là nhà thơ Phan Lê Hà, nhạc sĩ Nguyễn Bảo Long và ca sĩ Phạm Hà Linh cùng ban nhạc Jumpforjazz, Nàng Thơ đã ra đời dựa trên sự tôn trọng, sáng tạo của các cá thể sẽ mang lại kết quả mà một cá nhân không thể làm được. Nói về sự kết hợp này, Hà Linh cho biết: "Mọi vẻ đẹp nghệ thuật sẽ tự tìm đến và kết hợp, giao thoa với nhau. Có thể nói, đây là sản phẩm độc đáo vì dám đi ngược với dòng chảy âm nhạc xu thế hiện tại. Xu thế mà ít ca từ đẹp, chỉ chú trọng về hình thức chứ không chú trọng nội dung, hoà thanh dễ dãi, giai điệu dễ nghe. Chúng tôi đã tìm về tận khởi nguồn của thể loại, điều mà trên thế giới cũng hiếm có người làm, và là sản phẩm đầu tiên, tiên phong của Việt Nam cho thể loại âm nhạc này".
Theo các chuyên gia âm nhạc, lbum "Nàng thơ" thực sự là một bản tam tấu ngẫu nhiên nhưng chuẩn xác, là sự kết hợp lấp lánh giữa âm nhạc và thi ca, là nét chấm cọ gợi cảm và dứt khoát sau cuối, cho bức tranh lớn về cuộc đời, về thân phận con người.