Google Doodle lần đầu tiên vinh danh họa sĩ người Việt Nam - họa sĩ Bùi Xuân Phái
- Văn hóa
- 00:08 - 02/09/2019
Đây là lần thứ 2 Google Doodles vinh danh một người Việt Nam. Trước đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông.
Theo dữ liệu Google Doodle, họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những người có công định hình sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trở thành một trong những họa sĩ Đông Nam Á nổi tiếng nhất thế kỷ 20.
Biểu tượng trên trang chủ Google.com về Bùi Xuân Phái là một khắc họa chân dung người họa sĩ trên nền nét chấm phá của phố cổ - chủ đề chuỗi sáng tác đã làm nên phong cách riêng của Bùi Xuân Phái, giúp ông ở lại bền lâu trong lòng người yêu nghệ thuật và trong lịch sử hội họa Việt Nam.
Theo đại diện của Google, đây là sự vinh danh người họa sĩ đã góp phần ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại và những thành tựu cống hiến cho quê hương, cho những người yêu Hà Nội.
Họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai danh họa Bùi Xuân Phái - nói ông cảm thấy rất tự hào khi Google chọn vinh danh cha mình. Ông Phương cho hay để chuẩn bị cho việc này, đại diện Google đã liên hệ với gia đình ông từ gần một năm trước.
Lúc họ liên hệ, ông đã rất ngạc nhiên. Và để có được thiết kế về Bùi Xuân Phái, ông đã cung cấp cho Google nhiều tài liệu về cha mình, trong đó có những bức tự họa của Bùi Xuân Phái. Từ góc độ một nhà phê bình mỹ thuật từng có nhiều nghiên cứu về Bùi Xuân Phái, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết đây là một sự vinh danh rất xứng đáng với một tài năng như ông Phái và một tấm lòng tha thiết yêu Hà Nội của ông.
Đánh giá về Bùi Xuân Phái, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho rằng cái tài năng đặc biệt của Bùi Xuân Phái giúp ông được yêu mến rộng rãi và "bất tử" trong lòng người yêu nghệ thuật chính là ông đã làm được điều mà trước ông và sau ông tới nay vẫn chưa ai làm được: "Tạo ra nỗi nhớ Hà Nội rất đặc biệt".
"Bùi Xuân Phái vẽ rất ra chất Hà Nội. Xem tranh ông, người ta cứ khắc khoải nhớ Hà Nội dù có thể vẫn đang sống ở ngay Hà Nội thôi. Trước và sau ông, không thấy ai làm ra được nỗi nhớ Hà Nội như ông ấy. Nên khi ông mất đi, nhà phê bình Thái Bá Vân - một người viết hay nhất về Bùi Xuân Phái - đã gọi tên sự ra đi của ông là "vắng đi một ý thức"" - ông Phan Cẩm Thượng chia sẻ.
Bùi Xuân Phái: Người họa sĩ tài danh của Việt Nam
Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh 1/9/1920. Ông là một danh họa của Việt Nam ngang tầm thế giới. Ông đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về phố cổ Hà Nội. Hầu hết các hình ảnh minh họa phố Hà Nội hiện nay đều sử dụng tranh của ông.
Ảnh chân dung Bùi Xuân Phái do John Ramsden - nguyên Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Anh quốc tại Hà Nội đầu thập niên 1980 chụp - Ảnh: Fanpage Bùi Xuân Phái
Quê gốc của họa sĩ Bùi Xuân Phái ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Thủ đô Hà Nội, Việt Nam).
Lớn lên trong thời kỳ Pháp thuộc, thay vì theo đuổi nghề y như nguyện vọng của cha, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã sớm nảy nở tình yêu với nghệ thuật, đặc biệt là hội họa.
Để trang trải học phí tại trường École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine (trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông đã miệt mài vẽ minh họa cho các tờ báo Hà Nội.
Sau những tháng ngày học tập kiên trì, người họa sĩ tài danh của Việt Nam đã bán bức tranh đầu tiên của mình ở tuổi 20.
Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941–1945.
Năm 1952, ông cùng vợ chuyển đến Hà Nội sinh sống. Căn nhà nhỏ của cha mẹ ở số 87 đường Thuốc Bắc (ở Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhanh chóng trở thành xưởng vẽ nhỏ.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái là người sống giản dị. Ông dành hết tâm huyết cuộc đời vì nghệ thuật. Dòng tranh nổi tiếng nhất của ông được nhiều người mến mộ là Phố Phái (bộ tranh Phố cổ Hà Nội).
Với chất liệu sơn dầu, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã thổi hồn vào những bức tranh mang đậm nét cổ kính mà rất hiện thực về Phố cổ thủ đô thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ 20.
Không chỉ vẽ Hà Nội và dùng chất liệu sơn dầu, họa sĩ Bùi Xuân Phái còn có thể sáng tạo để vẽ các đề tài khác như nông thôn, tĩnh vật, chân dung... trên các chất liệu phong phú là giấy, gỗ, vải...
Dù nhiều lúc gặp khó khăn nhưng người họa sĩ giản dị đã gạt bỏ mọi toan tính đời thường để cho ra đời các tác phẩm dung dị, đơn giản nhưng đầy tâm tư sâu lắng.
Ngắm tranh Phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái, người xem cảm nhận không chỉ nét đẹp cổ xưa của Hà thành, những hoài cảm sâu lắng thấm đẫm vị thời gian, mà còn thấy chút tiếc nuối, bâng khuâng khó tả về từng con đường, mái nhà cổ.
Những cống hiến của ông trong hội họa nhanh chóng được công chúng quan tâm, yêu mến và ghi nhận.
Ông nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá cả ở trong nước và quốc tế, trong số đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 1997; Giải thưởng quốc tế (Leipzig, Đức) về trình bày cuốn sách "Hề chèo" (1982); Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 1980); Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô các năm 1969, 1981, 1983, 1984...
Họa sĩ Bùi Xuân Phái mất ngày 24/6/1988 tại Hà Nội. Xưởng vẽ nhỏ của ông hiện trở thành bảo tàng, nơi ghi dấu những tác phẩm của người họa sĩ tài danh, để tôn vinh những di sản của một người hết lòng vì nghệ thuật.
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont (Thái Lan) sẽ tổ chức triển lãm về ông. Triển lãm này trưng bày phần lớn bộ ký họa "Ông Phái vẽ ông Đạm" tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn, 63 Hàm Long, Hà Nội từ ngày 1/9/2019.