Giới trẻ ý thức về “Nét chữ, nết người”
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:29 - 07/10/2017
Giáo sư Virginia Berninger của trường Đại học Washington (Mỹ) cho rằng, việc viết tay sẽ kích thích trí não, giúp trẻ tập trung sâu hơn vào ngôn ngữ viết, sẽ đưa lại cho trẻ nhỏ những lợi ích ở hệ thần kinh. Việc những chiếc máy tính tạo ra đến 80 từ/ phút giúp người trưởng thành viết chữ đẹp đã trở thành một điều gì đó gần như hoài cổ. Vậy mà đến các trung tâm luyện chữ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy học viên không chỉ là trẻ nhỏ mà còn có cả người lớn với đủ thành phần như sinh viên, giáo viên, nhân viên văn phòng.
Một lớp luyên chữ đẹp
Lớp luyện chữ của cô Đinh Thị Huế (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cứ vào những ngày cuối tuần lại đông kín học viên, ai cũng cặm cụi, chăm chút ngồi nắn nót từng nét chữ của mình sao cho thật đẹp. Bạn Đặng Thị Thanh Hiếu, sinh viên năm cuối Khoa Giáo dục tiểu học (Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) chia sẻ, do nét chữ của mình không được đẹp lắm nên Hiếu tham gia lớp học để sau nay tự tin dạy lại các em nhỏ. Học được 5 buổi, Hiếu đã nắm vững quy tắc viết chữ đẹp như cầm bút đúng cách, tư thế ngồi, cách viết các nét chữ cơ bản. Hiện chữ viết của Hiếu đã mềm mại, uyển chuyển, đẹp hơn hẳn so với trước đây. Cũng vì chữ xấu đến mức học sinh ngồi dưới xì xào “cô giáo mà viết chữ xấu quá” nên chị Vân, giáo viên dạy mầm non ở huyện Buôn Đôn tranh thủ kỳ nghỉ hè lên lớp cô giáo Huế để luyện lại chữ. Chị Vân tâm sự, lúc mới đến lớp chị hơi e ngại vì cô giáo rồi mà phải luyện chữ. Nhưng vì học trò thân yêu và cũng vì chính mình nên chị kiên trì theo học. Ngoài chữ cơ bản, chị còn học thêm chữ sáng tạo cho phong phú chữ viết.
Cô giáo hướng dẫn học viên luyện chữ
Cũng như cô Huế, cô Trần Hồng Ny là giáo viên dạy trẻ có hội chứng tự kỷ, từng tham gia học lớp luyện chữ. Vào dịp hè hay trong năm học, những phụ huynh có nhu cầu lại đưa con đến nhà cô tận tâm hướng dẫn, vậy mà đã có mấy lớp trẻ tự tin bước vào lớp một, còn lớp hai, ba thì được cô giáo khen trước lớp về chữ sạch vỡ đẹp các em nào cũng hồ hởi đến với cô để luyện chữ. Đã ngoài 60 tuổi nhưng hễ nghe ở đâu có thầy dạy luyện chữ hay, bác Quốc Khanh (Đắk Nông) đều tìm đến học. Là giáo viên đã nghỉ hưu nhưng bác rất nhớ trường, nhớ học trò nên muốn học luyện chữ đẹp về mở lớp để tiếp tục được đứng trên bục giảng.
Bạn Thủy đang luyện chữ
Cô Huế cho biết, việc luyện chữ rất có sức hút, một khi đã ngồi xuống bàn nắn nót từng chữ là quên cả thời gian. Bản thân cô là giáo viên dạy môn Mỹ thuật, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có năng khiếu về nét chữ đẹp nên song song với việc dạy vẽ cô còn dạy luyện chữ ở Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhỉ tỉnh Đắk Lắk và dạy tại nhà từ năm 2013. Trước đây, cô đã từng ra Hà Nội tham gia lớp luyện chữ để vừa lấy giấy chứng nhận, vừa học thêm nhiều kiểu chữ mới. Việc luyện chữ cần nhiều thời gian, sự kiên trì, ở trên lớp các em nhỏ tập trung luyện trong thời gian 1 tiếng rưỡi/ngày, người lớn 2 tiếng/ngày. Học viên ở xa thường tham gia lớp học cấp tốc 4 tiếng/ ngày trong vòng 4 ngày. Học viên tham gia luyện chữ có đủ mọi thành phần và mục đích học khác nhau. Có người luyện chữ để cải thiện chữ viết, người luyện vì đam mê, cũng có người đến học chữ chỉ để rèn luyện tính cách.
Những giá trị văn hóa mà chúng ta gửi gắm vào từng nét chữ viết tay sẽ không sợ dần thay đổi hay mai mọt trong thời đại mới công nghệ hóa.