THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:45

Đọc báo giấy – nét đẹp văn hóa

 

Đọc báo giấy - thói quen khó bỏ

Dù hiện nay báo điện tử đang được rất nhiều người tìm đọc vì khả năng tiện lợi về thời gian, nhưng chắc chắn báo giấy vẫn có vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp đến người đọc. Hình ảnh người dân đọc báo giấy mỗi ngày vẫn là một nét văn hóa đáng trân trọng và sẽ mãi lưu lại trong ký ức của mỗi người.

 

Hằng ngày nhiều độc giả vẫn có thói quen đọc báo ở các bảng tin công cộng.


Từ những năm còn công tác đến lúc nghỉ hưu, bác Phạm Văn Tứ (Hà Nội), nguyên Đại tá Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hàng Mã vẫn luôn là độc giả trung thành với báo giấy, thói quen chờ đón tin tức ở tờ báo giấy vào mỗi buổi sáng như một “món ăn tinh thần” không thể thiếu. “Hôm nào không được đọc báo giấy, hoặc vì lý do thời tiết mà nhân viên đưa báo chưa đến kịp thời, tôi cảm thấy bị hẫng, nhớ nhung và cứ như thiêu thiếu điều gì đó, giống như mình chưa ăn cơm ấy”, bác Tứ cho hay.

Theo bác Tứ, mặc dù bây giờ báo hình và báo mạng ngày càng phát triển để theo kịp với sự phát triển của xã hội, nhưng những người như bác vẫn thích đọc báo giấy. Dù cho truyền hình cung cấp kịp thời thông tin, nhưng vì thời lượng phát sóng có hạn nên không thể đăng tải đầy đủ nội dung như ở báo giấy. Như Nghị quyết T.Ư 5 khóa 12 vừa qua, một số báo giấy như: Hà Nội mới, Người cao tuổi và một số tờ báo khác đăng toàn văn, quán triệt sâu sắc, đầy đủ hơn. Qua đó giúp mọi người hiểu rõ thêm được những chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Bác Tứ cho biết: “Hằng ngày tôi thường đọc các báo: Hà Nội mới, Nhân dân, Người cao tuổi, Lao động và Xã hội. Hầu hết các số báo bác đều đọc lần lượt từ trang đầu đến trang cuối, không bỏ sót một chuyên mục nào. Khi mà những bài báo có tính giáo dục cao, nói về những tấm gương vượt khó, người tốt việc tốt, cuộc sống gia đình, giáo dục con trẻ và chuyện học hành, tôi thường xuyên đọc rồi giảng giải, phân tích cho các cháu nghe, chứ không phải để cho các cháu tự đọc”. Theo bác Tứ, điều này là đúng và các cháu cần phải nêu gương để học tập; hoặc điều kia là xấu, các cháu phải tránh, không nên học theo. Cố gắng phân tích, giảng giải để các cháu hiểu, chứ không để cho chúng tự đọc rồi muốn hiểu thế nào cũng được…

 

Bác Phạm Văn Tứ (Hà Nội): Báo giấy như một “món ăn tinh thần”.

 

“Như đã thành thói quen cố hữu, mỗi buổi sáng dù thời tiết ở Hà Nội có “đỏng đảnh” đến mấy thì tôi vẫn phải ra bưu điện gần nhà để “ôm” về vài tờ báo: Hà Nội mới, Nhân dân, Tiền Phong, An ninh Thủ đô, Thanh niên, Sức khỏe,… vừa để đọc, để tặng, vừa là để cất giữ lại. Một tách trà ướp hương sen với vài số báo mới trong tay, mở đầu cho một ngày mới thì còn gì bằng”, bác Trần Ngọc Tuấn, Quán Thánh (Hà Nội) cho biết.

Theo bác Tuấn, đọc báo giấy không đơn thuần chỉ là tìm kiếm thông tin mà với nhiều người, đó là một nếp sinh hoạt thường nhật, thiếu gì thì thiếu, thiếu báo thì không! Họ đọc, họ tìm hiểu, họ nâng niu từng tờ báo, đọc xong là cất, là lưu giữ. Hơn nữa, họ đọc báo giấy không phải vì thiếu Iphone hay máy tính bảng, mà do chính những giá trị của báo giấy mang lại. “Có lẽ do đặc tính khó chỉnh sửa cũng như không thể thích thì đưa lên, không thích lại “gỡ” xuống ngay như báo mạng, nên có thể độ tin cậy về thông tin đối với tờ báo giấy vẫn được độc giả ưa chuộng?”, bác Tuấn nói.

Cũng dành chọn tình yêu cho báo giấy, bác Tình ở Hà Nội chia sẻ: “Đã thành thói quen, đến đâu thấy có tờ báo là tôi cầm lên đọc, bất kể là báo cũ hay mới. Giờ vẫn vậy, mỗi ngày tôi mua một tờ Hà Nội Mới, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Lâu lâu mua thêm cuốn Kiến thức ngày nay... Vào dịp Tết tôi cũng hay mua những ấn phẩm Xuân như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Văn hóa Thể thao, Kiến thức ngày nay... xem như là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Xuân bên cạnh những bánh chưng, củ kiệu hay mứt Tết...”.

 

Một sạp báo trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội).

 

Theo bác Tình, mặc dù báo mạng ngày một phát triển và đa dạng, nhưng chưa bao giờ báo giấy mất đi vị thế đặc biệt trong lòng bạn đọc. Như một sự gắn bó mật thiết, một sự ngự trị linh thiêng, hơn thế như là một hình ảnh mẫu mực của văn hóa đọc. “Tôi có niềm tin rằng, báo giấy đã từng, đang là và sẽ còn chiếm lĩnh tình cảm thủy chung, sâu nặng của độc giả. Người hoài cổ sẽ còn tiếc mãi những buổi sinh hoạt Đoàn nghe đọc báo tập thể…”, bác Tình khẳng định.

 “Tôi thường đọc báo cho cả nhà nghe”

Như chúng ta đều biết, công nghệ thông tin phát triển, báo điện tử, mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế trong việc cung cấp thông tin nhanh, đa dạng và phong phú cho công chúng. Nhưng báo giấy vẫn có chỗ đứng trong lòng độc giả, nó vẫn được yêu quý và nâng niu. Mỗi bài báo hay, những gương người tốt đều được độc giả lưu giữ cẩn thận và coi đó như là “món quà tri thức” để dành lại cho cháu, con.

Là nhà giáo lâu năm, nhưng bác Cù Thị Minh Huệ (TP. Vinh, Nghệ An), luôn biết sắp xếp để dành thời gian đọc báo giấy không những cho bản thân, mà còn cho cả nhà. Bác Huệ cho rằng, đọc báo giấy không bị mỏi mắt, khả năng lưu trữ thông tin cao. “Tôi đọc tất cả các loại báo. Thói quen đọc báo giấy của tôi đã có từ xưa, giờ đã hơn 70 tuổi, nhưng báo giấy vẫn như người bạn đồng hành với tôi trong cuộc sống. Ngày trước, báo chí thông tin còn ít, nhưng sau những giờ lên lớp, về nhà tôi vẫn dành thời gian để đọc báo cho cả nhà nghe. Bây giờ giới trẻ có nhiều nguồn để tiếp cận thông tin (ti vi, điện thoại, máy tính…) nhưng tôi vẫn giữ thói quen đọc báo, có nhiều bài báo tâm huyết, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và xếp ngay ngắn lên giá sách. Ngoài ra, có những bài thuốc, chuyên mục tư vấn sức khỏe, tôi đều lưu lại để áp dụng cho cuộc sống hằng ngày”, bác Huệ cho biết.

 

Độc giả quen thuộc của sạp báo trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội).

 

Không chỉ riêng ở thành phố, mà các vùng nông thôn, người nông dân chân lấm tay bùn, luôn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng họ vẫn rất thích có tờ báo giấy trong nhà. Bởi với họ, đọc báo không phải để cho vui hoặc “đốt” thời gian, mà đọc báo chính là để học hỏi, biết nhiều thông tin hơn về đời sống. Qua đó họ có thêm kiến thức để dăn dạy con, cháu và áp dụng theo những gương làm kinh tế giỏi được đăng tải chi tiết trên báo giấy.

Dù nhà nông, công việc luôn chân luôn tay, nhưng bác Bùi Văn Tưởng (Phú Thọ) vẫn dành thời gian vào buổi trưa và tối để đọc báo, nghe đài. “Ở nông thôn, kiếm được tờ báo mới, phát hành đúng ngày cũng khó nên những tờ báo cũ mà bác chưa được đọc, nó luôn mới mẻ đối với bác và những người dân nơi đây. Qua những số báo bác đọc, có nhiều bài hay, nhất là những câu chuyện cảnh giác, rồi chuyện lừa bán phụ nữ qua biên giới, “cò” xuất khẩu lao động, hạnh phúc gia đình và những gương làm kinh tế giỏi… Sau khi đọc xong bác gấp lại ngay ngắn, cất đi, đến buổi họp khu bác lại mang ra đọc và kể lại cho bà con nghe để cảnh giác và học tập những điều hay. Bà con ai cũng thích, nông thôn mà, vẫn còn “đói” thông tin nhiều lắm con à”, bác Tưởng tâm sự.

 

Đọc báo giấy bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). 

 

Đưa tay chỉ về phía đống báo được xếp ngay ngắn trên chiếc bàn làm bằng gỗ xoan, bác Tưởng kể: “Ở quê khác thành phố. Ra tận thị trấn mới mua được tờ báo của tỉnh. Cũng may, con trai bác đang công tác ở ở Hà Nội, bác nói với nó có bao nhiêu báo cũ cứ mang về cho bố đọc. Vì vậy, mỗi lần về thăm bố mẹ, trong ba lô của nó chỉ toàn báo là báo, cả cũ lẫn mới. Ở khu này nhiều người thích đọc báo như bác lắm, nên có báo về dù là cũ hay mới, bác lại pha một ấm trà xanh, kèm theo gói thuốc lào ngon, rồi gọi các bác ấy đến đọc và uống nước, hút thuốc. Cảnh thôn quê chỉ cần như vậy là mãn nguyện rồi đó con. Ở quê lấy đâu ra wifi hay 3G mà đọc báo mạng… hơn nữa, báo mạng chạy nhì nhằng, mỏi mắt lắm, các bác không đọc được”.

Ngót nghét hai chục năm làm nghề chạy xe ôm ở Hà Nội, những tờ báo giấy Công an nhân dân, Sức khỏe Đời sống, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên… luôn là những người bạn trung thành của bác Phạm Trung Thành (Nam Định). “Đã nhiều năm nay tôi luôn đọc báo giấy để theo dõi tin tức và tình hình an ninh trật tự. Làm nghề xe ôm đêm hôm vất vả, nhưng sáng mở mắt ra là mua ngay báo đọc để biết thông tin, đặc biệt là những chuyên mục cảnh giác, phòng chống thủ đoạn của tội phạm. Ngoài ra, những lúc rảnh không có khách thì tờ báo là bạn tâm giao. Nói thật, báo mạng tôi ít quan tâm vì nhìn nhiều vào màn hình, mắt tôi hay mỏi rồi chảy nước mắt…”, bác Thành cho biết.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh