THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:39

Nét đẹp áo dài trong học đường

 

Hạnh phúc khi nhìn thấy học trò mặc áo dài

Thướt tha, uyển chuyển trong những chiếc áo dài truyền thống được thiết kế đẹp mắt, các “người mẫu” - học sinh - tự tin trình diễn một cách chuyên nghiệp trên sân khấu. Bên cạnh những tà áo dài trắng tinh khôi, thanh lịch mặc đi học, nhiều lớp trình diễn những chiếc áo được thiết kế độc đáo, lạ mắt. Đó là những hình ảnh của quê hương, đất nước quen thuộc như thư pháp, hoa sen, tranh đông hồ hoặc các công trình kiến trúc nổi tiếng của TPHCM… Là một trong những nữ sinh lớp 11D1 đầu tư cho chiếc áo dài độc đáo, kèm theo đội chiếc mấn truyền thống, Nguyễn Lê Uyên Phương trông duyên dáng và trình diễn không thua người mẫu chuyên nghiệp. Uyên Phương cho biết: “Em rất thích mặc áo dài mỗi khi đến trường. Nhưng trước đây chỉ quy định phải mặc một ngày vào thứ hai thì hơi ít. Hơn nữa, nếu ngày đầu tuần trùng với tiết học thể dục thì không mặc được áo dài, thấy hơi ấm ức”. Giành giải nhì từ cuộc thi “Áo dài duyên dáng” năm học trước và năm nay không tham gia, nhưng nữ sinh Như Phương (lớp 12D) cũng có nhiều cảm xúc khi hòa chung không khí nhộn nhịp của ngày hội trang phục truyền thống này. Theo em, những năm trước chỉ mặc áo dài một lần vào đầu tuần nên chưa thấy hết sự duyên dáng, tinh tế và đáng yêu của nó. Bây giờ mặc thêm một ngày trong tuần, các nữ sinh sẽ cảm thấy thích hơn, bớt đi sự khó chịu cũng như cảm giác nó hơi bất tiện.

 

 

Một tiết mục biểu diễn tại cuộc thi.

 

Không chỉ có các “người mẫu” học trò náo nức, rộn ràng với cuộc thi mang nhiều ý nghĩa này, mà các giáo viên cũng bị cuốn hút vào ngày hội so tài về thời trang truyền thống. Bên cạnh sự cầu kỳ, đầu tư công phu cho khâu thiết kế, chọn mẫu với họa tiết lạ, đẹp và gấp rút may áo dài cho kịp thời gian, nhiều tổ bộ môn còn sưu tập thiết kế bộ áo dài theo chủ đề như hoa sen, tranh Đông Hồ… Đặc biệt, cuộc thi gây ấn tượng bởi các thầy giáo trẻ cũng tham gia trình diễn những bộ áo dài truyền thống trông thanh lịch, trang nhã.

Cô Lê Ngọc Hân, Tổ trưởng Tổ Văn của trường, cho biết: “Nhìn học trò sôi nổi với cuộc thi, hào hứng khoác lên mình những chiếc áo dài tôn vinh vẻ đẹp hình thể, toát lên vẻ duyên dáng và rất nữ tính, giáo viên chúng tôi vui, dạt dào hạnh phúc. Nhìn các em ý tứ, nâng niu tà áo dài, trân quý khoảnh khắc mặc áo dài, nhà trường hy vọng các em biết giữ gìn nó như giữ gìn tâm hồn thanh tao của chính mình”. Cô Ngọc Hân cũng bộc bạch thêm: “Bản thân tôi rất thích và hạnh phúc khi mặc áo dài, bởi nó rèn cho người mặc sự nhẫn nại, chỉn chu và biết giữ mình hơn. Một số giáo viên khác cũng cho rằng khi mặc áo dài đi dạy, họ không chỉ cảm nhận đây là thú vui thanh tao mà còn nhắc bản thân mình phải nghiêm túc, chỉn chu hơn khi đứng trên bục giảng hay ở sân trường”. Đưa ra lời khuyên đối với một số nữ sinh còn e ngại, không muốn mặc áo dài đi học, cô Ngọc Hân chia sẻ rằng các em đừng viện lý do mặc áo dài bất tiện. Nếu thấy nóng thì nên chọn may bằng chất liệu mát, phù hợp với thời tiết của TPHCM. Hoặc thấy dài quá thì có thể cắt bớt cho vừa, nhưng đừng quá ngắn và làm mất đi nét truyền thống, tinh tế, lãng mạn của chiếc áo dài…

Truyền lửa rộng hơn

Theo thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, vừa phát động cuộc thi này từ đầu học kỳ hai, nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia rất đông của học sinh cũng như giáo viên. Với học trò, các em có thể thi đơn, nhóm hoặc tập thể, còn giáo viên sẽ đại diện từng tổ bộ môn dự thi. Vượt qua vòng sơ khảo cuộc thi “Áo dài duyên dáng” lần thứ hai này, với sự so tài của 200 nữ sinh ở các khối lớp, 20 thí sinh mặc áo dài đẹp nhất, ấn tượng nhất đã lọt vào vòng chung kết. Sức lan tỏa của cuộc thi cho thấy việc vận động học sinh mặc áo dài đã mang lại hiệu quả. Ngay sau khi UBND TPHCM và Sở Giáo dục - Đào tạo có văn bản chỉ đạo, nhà trường đã vận động và yêu cầu nữ sinh phải mặc áo dài trong 2 ngày là thứ hai và thứ sáu. Những lớp nào vướng buổi học thể dục thì trường sẽ linh động cho các em mặc áo dài vào ngày khác.

Theo thầy Thạch, cuộc thi nhằm mục đích khuyến khích nữ sinh mặc áo dài và biết trân trọng nét đẹp, tôn vinh giá trị của áo dài  truyền thống hơn. Từ đó các em sẽ có ý thức gìn giữ và yêu hơn những chiếc áo dài khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và để học sinh hiểu rõ hơn về áo dài truyền thống, nhà trường cũng tổ chức một số chuyên đề dưới cờ giới thiệu về chủ đề này. Không những thế, nhà trường còn có ý tưởng vận động giáo viên nam tham gia mặc áo dài vào các dịp lễ hội truyền thống của trường.

Hy vọng, từ những đốm lửa nhỏ được nhóm lên từ các trường học ở TPHCM sẽ tiếp lửa cho cuộc vận động khuyến khích nữ sinh cũng như nữ công chức, viên chức và người dân mặc áo dài nhiều hơn trong các hoạt động xã hội của TPHCM.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh