Giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:30 - 16/07/2016
- Tuyên Quang: Gần 22.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề
- Hậu Giang: Dạy nghề thiết thực giúp lao động nông thôn xóa nghèo
- Hơn 4,1 triệu lao động nông thôn được học nghề
- Nghệ An: Gần 12.000 lao động nông thôn có việc làm
- Đa dạng hóa ngành nghề, nâng chất lượng đầu ra
- Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày
- Dạy nghề lao động nông thôn nghề phi nông nghiệp đạt 201%
Anh Nguyễn Kim Tú được hỗ trợ dê sinh sản đề phát triển kinh tế.Ảnh: P.L |
Theo thống kê của Tỉnh đoàn Gia Lai, năm 2016, tổng số thanh niên trong toàn tỉnh là hơn 250.000 người. trong đó, thanh niên ở độ tuổi lao động thiếu việc làm và thất nghiệp chiếm gần 50%. Để định hướng nghề nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, những năm qua, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho 10.582 đoàn viên thanh niên; 1.396 thanh niên được học nghề; 875 đoàn viên thanh niên được giới thiệu việc làm. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn còn tạo điều kiện để thanh niên nông thôn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách Xã hội cũng như tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất kinh doanh, lập thân, lập nghiệp. Theo đó, tổng số dư nợ do Đoàn Thanh niên trực tiếp quản lý là 355 tỷ đồng, thành lập được 407 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Huyện Đoàn Chư Pưh là một trong những tổ chức cơ sở làm tốt công tác hỗ trợ vốn và giúp đoàn viên thanh niên ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn quản lý, Huyện đoàn đã cấp 5 con bò cái sinh sản cho các hộ thanh niên ở xã Ia Le và 14 con dê cho 7 hộ thanh niên tại xã Chư Don. Là một trong những hộ thanh niên được nhận hỗ trợ dê sinh sản từ nguồn giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn của Huyện Đoàn, anh Nguyễn Kim Tú (Plei Thơh Ga B, xã Chư Don) chia sẻ: “Cùng với sự hỗ trợ của Huyện Đoàn, tôi vay mượn thêm tiền của người thân để đầu tư cho đàn dê. Hiện tại, đàn dê của gia đình tôi đã có 31 con. Khi dê sinh sản sẽ luân chuyển sang các thanh niên nghèo trên địa bàn xã để cùng nhau phát triển kinh tế”.
Thực tế, các chương trình do các cơ sở Đoàn tổ chức đã đạt được hiệu quả nhất định. Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã được tuyển dụng vào các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Từ nguồn vốn vay do Đoàn Thanh niên quản lý, nhiều hộ thanh niên đã tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên có việc làm ổn định, thu nhập tốt, nhất là thanh niên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa cao.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của thanh niên nông thôn. Đa số thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế về nhận thức và tinh thần chủ động lập nghiệp. Một số sinh viên sau khi tốt nghiệp, mặc dù có bằng cấp nhưng thiếu kiến thức thực tiễn, ngại khó, ngại khổ nên không đáp ứng được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, cơ quan, dẫn đến tình trạng một bộ phận thanh niên không làm đúng ngành nghề mình theo học mà chuyển sang làm những công việc thời vụ, lao động phổ thông. Bên cạnh đó, tâm lý “ly nông nhưng không ly hương” cũng ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội tìm kiếm việc làm của thanh niên nông thôn và việc tạo điều kiện đi lao động có thời hạn ở nước ngoài hay tăng cường liên kết với các doanh nghiệp ở các thành phố lớn cũng không mấy khả quan…
Chia sẻ về vấn đề này, anh Phan Hồ Giang, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai cho biết: Thiếu việc làm, gia đình nghèo khó dẫn đến nhiều khó khăn trong tập hợp thanh niên tham gia vào các chương trình do Đoàn tổ chức. Mặc dù các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm đã được triển khai bằng nhiều hình thức nhưng vấn đề việc làm cho thanh niên nông thôn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của thanh niên nông thôn; chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm giải quyết công việc tại chỗ cho thanh niên; phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức Hội chợ việc làm cho thanh niên; phối hợp với Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tư vấn, vận động thanh niên đi làm ăn xa ở các thành phố lớn. Hy vọng với những chính sách hợp lý, những khó khăn trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ được tháo gỡ, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn hiện nay.