Hơn 4,1 triệu lao động nông thôn được học nghề
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:03 - 14/04/2016
Thống kê cho thấy, gần 46% số lao động đã được đào tạo là nữ. Tỷ lệ LĐNT được hỗ trợ học nghề nông nghiệp chiếm 42,7%, nghề phi nông nghiệp chiếm 57,3%. Bình quân, mỗi năm hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng gần 200 nghìn LĐNT, nghề phi nông nghiệp khoảng 250 nghìn LĐNT. So với bình quân chung trong ba năm đầu thực hiện Đề án, số LĐNT được hỗ trợ học nghề nông nghiệp tăng thêm 15,6%, phi nông nghiệp tăng thêm 28,9%.
Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, đã có hơn 10,5 nghìn người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, LĐNT bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế được đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, đạt 2,1% kế hoạch 11 năm. Như vậy, bình quân mỗi năm có 680 nghìn LĐNT học nghề, đạt 75,5% mục tiêu bình quân chung đặt ra ban đầu (680.000/900.000).
Trong tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề, những người thuộc đối tượng Nhà nước quan tâm như người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và con em họ, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người bị thu hồi đất nông nghiệp, người khuyết tật... chiếm gần 40%. Đề án 1956 cũng hỗ trợ đào tạo gần 500 nghìn lượt cán bộ công chức xã.
Về hiệu quả, trong số LĐNT được hỗ trợ học nghề đã học xong, số có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn trước khi học nghề chiếm 78,7%. Số người được doanh nghiệp tuyển dụng chiếm 22,8%; được bao tiêu sản phẩm chiếm 10,1%; số tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên chiếm 65,9%...
Dữ liệu không đầy đủ từ các địa phương cho biết, khoảng 59 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm và đã thoát nghèo, chiếm gần 1/4 tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề; số hộ có người tham gia học nghề, sau khi học xong, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương và đã trở thành hộ khá, chiếm khoảng 4,5% tổng số LĐNT học nghề.
Trong 6 năm từ 2010 đến 2015, tổng kinh phí đã bố trí thực hiện Đề án là 8.173 tỷ đồng, trong đó, Ngân sách TƯ chiếm hơn 71%, ngân sách địa phương và nguồn từ các chương trình, dự án khác chiếm gần 29%.
Sau ba năm chuẩn bị, từ năm 2013, hoạt động dạy nghề cho LĐNT đã dần đi vào nề nếp, ổn định và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề luôn đạt từ 75 - 79%, cao hơn mức chỉ tiêu tối thiểu đặt ra trong Đề án từ 5 - 9%. Tuy nhiên, một trong những tồn tại của Đề án là kết quả dạy nghề cho LĐNT chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trong 6 năm (2010 - 2015), cả nước đạt 91,5% kế hoạch.
Nhờ được đào tạo nghề hàng triệu LĐNT có việc làm và thu nhập bền vững.
Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn còn dàn trải, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu, hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo nghề cho LĐNT được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia gia xây dựng nông thôn mới. Kinh phí Ngân sách Trung ương được phân bổ trong kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình này.
Theo đó, dự kiến sẽ đào tạo nghề cho khoảng 5,5 triệu LĐNT, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng theo chính sách của Đề án khoảng 3,2 triệu người. Bình quân mỗi năm, đào tạo nghề cho khoảng 1,1 triệu LĐNT, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng theo chính sách của Đề án cho khoảng 640 nghìn người/ năm. Sau đào tạo, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các địa phương rà soát lại danh mục nghề đào tạo để phê duyệt lại cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, thực hiện phương châm “chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”.
Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, thực hiện trong 11 năm (2010 - 2020) với mục tiêu: Dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu LĐNT. Trong đó, hỗ trợ dạy nghề cho 6,54 triệu người theo chính sách của Đề án. Đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã. Mục tiêu bình quân chung đặt ra là mỗi năm có 900 nghìn LĐNT học nghề và 100 nghìn cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng. |