THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:49

Tuyên Quang: Gần 22.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề

Ông Lê Văn Háu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, đã ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn. Đặc biêt, để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, tuyển dụng của doanh nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương. Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn.

Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm.

Năm 2015, với tổng kinh phí hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề là: 4.125 triệu đồng, đã tổ chức mở 106 lớp, với 3.611 học viên (Dạy nghề lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp: 74 lớp, 2.508 học viên; Dạy nghề lĩnh vực phi nông nghiệp: 32 lớp, 1.103 học viên).

Trong đó, lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác: 2.257 người; lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo: 158 người; đối tượng lao động nông thôn khác: 1.196 người; Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 đã học xong là 3.611lao động, số lao động gắn và tạo được việc làm sau khi học nghề là 2.632 lao động, chiếm 72,88%.

Ông Lê Văn Háu nhấn mạnh: “Mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được đặc biệt quan tâm và phát triển. Đến nay có 15 cơ sở dạy nghề, trong đó có 1 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề, 2 trường trung học chuyên nghiệp có hoạt động dạy nghề, 1 trung tâm sự nghiệp có hoạt động dạy nghề và 10 trung tâm dạy nghề. 6/6 huyện trên địa bàn tỉnh có trung tâm dạy nghề cấp huyện, đồng thời các trung tâm dạy nghề thuộc huyện quản lý đều đã được giao nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề rất quan tâm đến công tác xây dựng nghề mới, bổ sung, chỉnh sửa giáo trình, giáo án nhằm đáp ứng như cầu học nghề của người lao động, sự phát triển của khoa học công nghệ tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc dạy và học nghề. Tính riêng năm 2015 đã có trên 10 giáo trình được chỉnh sửa, bổ sung. Các cơ sở dạy nghề rất quan tâm và đầu tư công tác phát triển, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Năm 2015 toàn tỉnh có trên 150 lượt cán bộ quản lý và giáo viên, giảng viên được tham gia học tập, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về dạy nghề. Riêng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã năm 2015 có tổng kinh phí là 980 triệu đồng. Theo đó, 7 lớp đào tạo với 889 cán bộ, công chức cấp xã chức đã được tổ chức thành công”.

Có thể nói, trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm, đầu tư đến công tác đào tạo nghề, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể nên công tác dạy nghề tại Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với chính quyền các xã, thôn, bản để tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động. Cán bộ và giáo viên dạy nghề đã khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ các xã, phường, thị trấn chủ động, tích cực tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạt kết quả tốt. Nhiều lao động sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được chuyển nghề, có việc làm ngay tại xã.

Ông Lê Văn Háu cũng cho biết, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả về cả nội dung và chất lượng, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh Tuyên Quang, chính quyền các địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa các chính sách khuyến khích các đơn vị dạy nghề hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị và trợ cấp thu hút giáo viên dạy nghề tại các khu, điểm dân cư xa trung tâm. Đồng thời, quan tâm, đầu tư hoạt động điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhà máy xí nghiệp. Tổ chức ký hợp đồng 3 bên để tổ chức dạy nghề; Lựa chọn nghề và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn đảm bảo gắn và tạo được việc làm sau khi học nghề, thiết thực với người dân...     

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh