CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:10

Hậu Giang: Dạy nghề thiết thực giúp lao động nông thôn xóa nghèo

 

Cũng như nhiều tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Hậu Giang có tỷ lệ hộ nghèo ở vùng nông thôn khá cao và đa số là thuần nông, nhưng có hộ lại không có đất, hoặc thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm ổn định, nên thu nhập bấp bênh…Để khắc phục thực trạng ấy, từ khi chia tách tỉnh (năm 2004) đến nay tỉnh Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đã đạt hiệu quả khả quan. Lãnh đạo Sở LĐ -TB & XH tỉnh Hậu Giang cho biết, các cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng mang tính chiến lược của công tác dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm và coi đây là khâu then chốt để người lao động nông thôn có cơ hội tự tạo được việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

 

Dệt chiếu là một nghề mang tính truyền thống của nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang, nên luôn thu hút đông đảo phụ nữ nông thôn theo học và có việc làm ổn định vươn lên xóa nghèo

Chính vì thế những năm qua, căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động và thực tế phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như khu vực, tỉnh chủ yếu mở những lớp dạy nghề thiết thực, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Đó là những ngành nghề như: Sửa chữa, cài đặt máy tính; sửa chữa điện thoại di động; sửa chữa máy nổ; điện gia dụng; may công nghiệp; hàn điện; may gia dụng; chăn nuôi thú y; sửa chữa xe gắn máy; đan đát (đan lục bình, đan cần xé; đan dây nhựa…); bó chổi; chằm nón; dệt chiếu, uốn tóc; trồng trọt; nuôi trồng thủy sản; bảo vệ; nề; VACB (vười + ao + chuồng + biogas. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nông thôn theo các lớp học nghề, tỉnh hỗ trợ về tiền ăn 10.000 đồng/ngày/học viên và riêng người nghèo được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày/học viên.

 Nghề chằm nón lá dễ học, dễ làm nên thu hút nhiều phụ nữ nông thôn theo học và tự tạo việc làm tại nhà, tăng thu nhập đáng kể

Công tác dạy nghề nông thôn những năm qua đã có những bước đột phá cụ thể như đào tạo nghề theo địa chỉ, đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo nghề gắn với việc làm, nhờ đó đã đem lại hiệu quả khả quan, đào tạo nghề cho hàng chục ngàn học viên, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Phần lớn học viên sau khi qua đào tạo nghề đã có cơ hội tìm được việc làm tại địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt các nhóm nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản và VACB, có rất nhiều học viên sau khi qua đào tạo đã mạnh dạn ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để triển khai thực hiện các mô hình sản xuất như: Trồng rau sạch ở thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp); nuôi cá rô đồng, sặc rằn, thát lát, bống tượng, trê lai, trê vàng, cá lóc ở Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A…đem lại hiệu quả rất khả quan. Trong đó có những địa phương đã hình thành mô hình hợp tác xã (HTX) nuôi cá làm ăn hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao, như HTX Thuận Tiến, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy), gồm 12 xã viên, sau khi tổng kết năm lợi nhuận thu về cho mỗi xã viên đạt từ 50 – 100 triệu đồng.

Nghề sửa chữa xe gắn máy thu hút đông đảo nam thanh niên nông thôn theo học và đa số học viên sau học nghề đều có việc làm tại các tiệm sửa xe, hoặc tự tạo được việc làm tại nhà, thu nhập ổn định.

  Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang tập trung đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề với tất cả các huyện, thị trong tỉnh đều có cơ sở dạy nghề công lập. Được biết, tổng số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh là 15 cơ sở, trong đó có 3 trường trung cấp nghề (2 trường thuộc địa phương và 1 trường thuộc Tập đoàn Tàu thủy); 8 cơ sở trung tâm dạy nghề, trong đó có 2 cơ sở ngoài công lập và 4 cơ sở khác có dạy nghề. Đại đa số các cơ sở dạy nghề đều được đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, nhất là những thiết bị dạy nghề công nghệ cao, phù hợp với thực tế sản xuất.

Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã phát triển theo quy hoạch, khắc phục tình trạng mất cân đối về phân bổ giữa các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Hầu hết lực lượng giáo viên dạy nghề có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, tận tụy và yêu nghề, đáp ứng yêu cầu công tác dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất, vật nuôi, cây trồng, hiệu quả kinh tế sau khi học tăng lên rõ rệt và góp phần giải quyết việc làm bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể trên địa bàn của tỉnh.

LƯƠNG ĐỊNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh