CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:27

Mỗi hồ sơ, kỷ vật là món quà quý giá cho gia đình và thân nhân cán bộ 'đi B'

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao đội ngũ cán bộ, CCVC, người LĐ tại Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước luôn nỗ lực sưu tập, bảo quản, lưu trữ những tài liệu, kỷ vật quý của quốc gia

 

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đang lưu trữ khoảng 72.000 hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B, trong đó có 56.963 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước. Hồ sơ gồm các loại giấy tờ: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, Sơ yếu lý lịch, Chứng chỉ, bằng cấp chứng nhận trình độ học tập; các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao đội ngũ những người làm công tác lưu trữ nói chung và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng đã luôn nỗ lực sưu tập, bảo quản, lưu trữ những tài liệu, kỷ vật quý của quốc gia, dân tộc, trong đó có những tài liệu, kỷ vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Chủ tịch Quốc Hội xem phiên bản tài liệu về một bản vẽ về lá Quốc kỳ

Song, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những hồ sơ này được chuyển về các địa phương, tuy nhiên vẫn còn dưới dạng lưu trữ, chưa được trưng bày, thông tin rộng rãi.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nội vụ bàn bạc số hóa những hồ sơ này. Từ đó, những hồ sơ, kỉ vậy lưu trữ được thông tin rộng rãi đến công chúng. Bên cạnh đó, cơ quan thông tấn, báo chí chú trọng tuyên truyền, giới thiệu về những hồ sơ cán bộ đi B.

“Những kỉ vậy này là quà tặng quý giá cho gia đình và thân nhân của cán bộ đi B khi họ nhận được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đề nghị của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, khẳng định sẽ chỉ đạo và đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm hơn tới công tác văn thư, lưu trữ; phối hợp chặt chẽ với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III để sưu tập, bảo quản, lưu trữ những tài liệu, kỷ vật quý; tuyên truyền và công bố các tài liệu, kỷ vật, đặc biệt là tài liệu, kỷ vật của cán bộ đi B, thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, nhớ nguồn tới các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giúp cán bộ đi B hoặc người thân của cán bộ đi B có thể tiếp cận được với hồ sơ, tiếp nhận kỷ vật…

Chủ tịch Quốc hội khẳng định cần thiết phải số hóa, tích hợp cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ, cán bộ đi B do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công để phục vụ khai thác tìm kiếm được thuận tiện

Về chính sách ưu đãi cán bộ đi B, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công.

Được biết, bên cạnh những thuận lợi, công tác bảo quản và phát huy giá trị tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: do nhiều cán bộ đã tuổi cao, nhiều người hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, nhiều người đã mất do tuổi già, nhiều người phải dùng bí danh khi làm nhiệm vụ, nhiều gia đình đã di chuyển đến nơi khác, sự thay đổi của địa giới hành chính… nên việc xác định địa chỉ của cán bộ và thân nhân cán bộ đi B rất khó khăn.

Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vẫn còn gần 16.000 giấy tờ rời lẻ chưa xác định được thông tin chủ nhân, điều này cũng ảnh hưởng đến việc trao trả hồ sơ của cán bộ đi B...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm phòng lưu trữ các loại hồ sơ, tài liệu của Trung tâm.


Thanh Mạnh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh