Già Y Bâm người con ưu tú của buôn căn cứ cách mạng Dliê Ya
- Người có công
- 18:54 - 26/07/2022
- Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ cấp quốc gia tại Quảng Trị
- Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ
- Gặp mặt, tri ân thương binh nặng - Nghĩa cử cao đẹp của Tập đoàn Hòa Bình
- Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7: Tập đoàn Hòa Bình tổ chức gặp mặt, tri ân tất cả thương binh nặng trên cả nước tại Hà Nội
Buôn DilêYa anh hùng
Buôn cách mạng Dliê Ya nằm phía bắc huyện Krông Năng, nằm phía đông của TP Buôn Ma Thuột, là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - ngụy (những năm1965 – 1975). Chính vì thế Mỹ - ngụy tăng cường càn quét hòng “xóa sổ” khu căn cứ địa. Tuy nhiên, với truyền thống yêu nước quật cường, đồng bào trong buôn đã đoàn kết một lòng, với quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”, cùng với cán bộ và nhân dân trên vùng đất H4 quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược. Trong buổi trưa nắng tháng 7, theo chân cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện chúng tôi đến thăm nhà già Y Bâm Ksơr. Dù đã ngoài 70 mùa xuân nhưng già Y Bâm (Bệnh binh 61%) vẫn quoắc thước, nhanh nhẹn. Vừa rót tách trà mời khách, già Y Bâm bắt đầu kể về những năm tháng chống Mỹ - ngụy kiên cường, bất khuất của đồng bào trong buôn Dliê Ya anh hùng. “Buôn Dliê Ya những năm trước đây có khoảng 30 hộ dân, chủ yếu sống sâu trong rừng. Đồng bào nơi đây hầu như không biết đến mặt con chữ. Những năm Mỹ - ngụy càn quét ác liệt, đốt buôn, phá làng người dân trong buôn phải bồng bế nhau luồn vào rừng sâu để lẩn trốn. Những đợt càn quét cứ thế liên tiếp xảy ra nhưng đồng bào chúng tôi vẫn cương quyết bám buôn, bám làng. Giặc đốt sạch nhà cửa, ruộng nương đồng bào trong buôn vẫn không nản chí, họ cùng nhau dựng lại.”
Cũng theo già Y Bâm, buôn cách mạng Dliê Ya có từ thời chống thực dân Pháp. Trải qua bao nhiêu thế hệ người dân trong buôn vẫn một lòng trung kiên đi theo cách mạng chống giặc ngoại xâm, đã có rất nhiều người con nơi đây đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này. Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng những câu chuyện lịch sử về tinh thần chiến đấu ngoan cường của đồng bào nơi đây luôn được các bậc tiền bối kể lại cho các thế con cháu, nhằm răn dạy về tình yêu nước, giữ buôn làng và lòng tư tôn dân tộc.
Già Y Bâm người con ưu tú của buôn làng
Đan xen trong những câu chuyện về buôn làng, già Y Bâm không quên được những năm tháng khó khăn, nhưng đầy tự hào về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Già Y Bâm sinh năm 1949, trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, Cha và anh trai là liệt sỹ. Từ truyền thống yêu nước của gia đình đã hun đúc, thôi thúc ông trở thành một người chiến sỹ cách mạng khi còn thơ ấu. Tuổi thơ già gắn liền với buôn làng, với núi rừng.Già Y Bâm đã chứng kiến bao trận càn quét ác liệt của bọn Mỹ - ngụy, những hình ảnh đó luôn in hằn vào tâm can của người chiến sỹ yêu nước. “Năm 1965, lúc này tôi 16 tuổi bắt đầu tham gia dân quân du kích tại địa phương. Đây là bước ngoặt lớn đánh dấu cột mốc quan trọng dẫn dắt tôi theo con đường cách mạng. Năm 1967 tôi mới chính thức đi bộ đội, sau đó được tập hợp tại đơn vị 303 thuộc tỉnh đội Đắk Lắk. Những năm này diễn ra nhiều trận đánh ác liệt lắm…” già Y Bâm nhớ lại. Năm 1970, già Y Bâm được cử đi học tại Hà nội, sau 2 năm dài đằng đắng miệt mài học tập, đến 1972 già Y Bâm tiếp tục hành trình trở về Đắk Lắk để nhận nhiệm vụ mới. “ Được cử đi học tôi vừa mừng vừa buồn. Mừng vì được học thêm nhiều kiến thức bổ ích phục vụ kháng chiến. Buồn vì không được cầm súng đánh trận cùng đồng bào, đồng đội.
Năm 1972 ra trường tôi được được đeo hàm chuẩn Úy, được đơn vị giao nhiệm vụ phụ trách trung đội trưởng đội trinh sát tỉnh đội Đắk Lắk. Đến năm 1974, tôi được chuyển sang phụ trách Trung đội trưởng Z1 thuộc đơn vị H5 ( nay huyện Cư M’gar) cho đến khi giải phóng”. Sau khi giải phóng già Y Bâm, giữ chức đại đội Phó H5 (hàm Trung Úy)”. Từ năm 1976 – 1978 được đơn vị điều chuyển công tác sang làmTrợ lý dân quân vùng H5, sau đó đưa quân sang giúp nước bạn giải phóng Campuchia. Đến 1982, già Y Bâm xin đơn vị trở lại buôn cách mạng Dliê Ya sinh sống. Về địa phương già tiếp tục được tín nhiệm, được cử làm Xã đội trưởng ( năm 1984). Những năm sau đó già tiếp tục giữ chức Phó chủ tịch UBND xã Dliê Ya, kiêm trưởng Công an xã. Từ năm (1993 – 2003) giữ chức Chủ tịch UBND xã Dliê Ya. Năm (2003 – 2010) giữ chức Bí thư xã Dliê Ya. Năm 2010 già Y Bâm bắt đầu nghỉ hưu trí. Trong suốt những năm tháng cống hiến tâm sức của mình cho Đảng cho nhân dân già Y Bâm giờ đây dường như đã mãn nguyện, chẳng còn gì luyến tiếc. “Mình sống chiến đấu và cống hiến hết mình cho tổ quốc giờ đây thấy non sông đất nước đổi mới, kinh tế phát triển. Người dân, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, trẻ em được cấp sách đến trường. Cơ sở hạ tầng thôn buôn được đầu tư xây dựng bài bản, khang trang lòng tôi sung sướng lắm”. Để minh chứng cho những đóng của mình già Y Bâm cho chúng tôi chiêm ngưỡng những kỉ niệm chương, huân chương kháng chiến được già vinh dự được Đảng nhà nước trao tặng. Chia tay già Y Bâm trong buổi trời chiều ngả bóng, nhìn những vườn cà phê, sầu riêng xanh mướt bạt ngàn trên vùng đất cách mạng Dliê Ya anh hùng khiến lòng chúng tôi lâng lâng khó tả.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Minh Tuy – Trưởng phòng Lao độngThương binh và Xã Hội huyện Krông Năng phấn khởi nói. “Với trách nhiệm của mình Phòng LĐTB & XH luôn luôn nỗ lực hết mình, để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc các thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Những chính sách của Đảng nhà nước dành cho các đối tượng có công chúng tôi luôn làm tròn trách nhiệm, chi trả chế độ ưu đãi kịp thời. Hàng năm nhân dịp kỉ niệm những ngày lễ, tết chúng tôi tổ chức thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng chính sách. Sắp tới đây ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7).
Theo chỉ đạo của cấp trên chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức hội nghị “Gặp mặt người có công tiêu biểu” với gần 200 đại biểu tham gia. Trong đó có trên 150 người có công tiêu biểu.”Cũng theo ông Tuy, ngoài tổ chức hội nghị tọa đàm nhân ngày 27/7, các cơ quan ban ngành của huyện tổ chức các chương trình như: Thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ huyện, tổ chức các hoạt động khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ…Trong năm 2020 – 2021, Phòng LĐTB & XH, đã làm mới 3 căn nhà, tu sửa 4 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách.