CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:20

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7: Tập đoàn Hòa Bình tổ chức gặp mặt, tri ân tất cả thương binh nặng trên cả nước tại Hà Nội

Tạo cơ hội cho hàng ngàn thương binh nặng có dịp được thăm quan Thủ đô

Chia sẻ về ý tưởng độc đáo nhưng cũng rất tốn kém này, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết: “Lý do tôi và Ban lãnh đạo Tập đoàn tổ chức sự kiện quan trọng này là vì thời gian đối với các đồng chí thương binh nặng không còn nhiều. Ngay như tại Công ty, trong số 9 sáng lập viên ban đầu, có tới 7 người là thương binh nặng, 2 người còn lại đều là cựu chiến binh thì đến nay 3/7 người đã hy sinh do những vết thương chiến tranh tái phát. Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, thương binh nặng 1/4 không còn nhiều, trong đó hàng nghìn người vẫn chưa có cơ hội được đến Thủ đô Hà Nội, được thăm Lăng Bác Hồ và đa số họ cũng đã có tuổi, sức khỏe ngày càng yếu. Thấu hiểu nguyện vọng cháy bỏng đó của anh chị em thương binh nặng, ngay trong ngày 20/6/2022, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã ra quyết định tổ chức các buổi giao lưu, gặp nhau chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng giữa các đồng chí thương binh”.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình họp bàn về kế hoạch tổ chức tri ân các thương bệnh binh nặng nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7

Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình họp bàn về kế hoạch tổ chức tri ân các thương bệnh binh nặng nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7

Nói về việc tổ chức một khối lượng công việc rất lớn, từ khâu tiếp đón, bố trí chỗ ăn, nghỉ, giao lưu, tham quan Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Hữu Đường cho biết thêm: Chương trình sẽ bắt đầu trong vòng 1 tháng, từ ngày 19/7/2022 đến 19/8/2022 với khoảng 10 đợt đón tiếp. Tổng kinh phí dự kiến là 100 tỷ đồng. Tập đoàn Hòa Bình sẽ phối hợp với Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), các Sở và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố để lên danh sách các đồng chí thương binh nặng; gửi giấy mời tới tất cả các đồng chí thương binh thông qua báo chí và website của Tập đoàn để họ đăng ký. Các khâu chuẩn bị, trong đó có việc liên hệ với các hãng hàng không để mua vé máy bay; thuê xe ô tô, tổ chức các tour tham quan Thủ đô Hà Nội đã được chuẩn bị chu đáo. Đối với các đoàn có số lượng lớn, tại những tỉnh phía Bắc sẽ về thẳng khách sạn bằng ô tô; các đoàn ở xa đi bằng máy bay, công ty sẽ cho sẽ đón tại sân bay về khách sạn. Khách sẽ ăn, nghỉ miễn phí tại khách sạn Hà Nội Golden Lake; được Tập đoàn may tặng mỗi người 02 bộ quần áo bộ đội. Cùng với đó là chương trình đi thăm quan các di tích lịch sử Hà Nội: Vào lăng viếng Bác, thăm Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, Gò Đống Đa... chụp ảnh lưu niệm.

Việc tổ chức chương trình lần này dù tốn kém cả về thời gian, công sức và số tiền không hề nhỏ nhưng cá nhân tôi và toàn thể các đồng chí thương binh, cựu chiến binh của Tập đoàn Hòa Bình đều mong muốn gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những đồng đội đã cống hiến, hy sinh để mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc”, ông Nguyễn Hữu Đường tâm sự.

Vẻ ngoài giản dị của Doanh nhân – Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch tập đoàn Hòa Bình

Vẻ ngoài giản dị của Doanh nhân – Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch tập đoàn Hòa Bình

Những việc làm nghĩa tình của Công ty Thương binh nặng Hòa Bình

Tập đoàn Hòa Bình, tiền thân là Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình được thành lập từ năm 1987, lúc đầu có 9 người, trong đó có 7 người là thương binh nặng do Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường làm Chủ tịch. Trải qua 35 năm hoạt động, đến nay Hòa Bình Group đã phát triển lớn mạnh, số lao động của Công ty và các đơn vị thành viên lên tới hơn 3.000 người, phần lớn là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em các gia đình chính sách, trong đó hơn 100 người là thương binh nặng. Doanh số của Công ty tăng đều qua các năm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Liên tục từ năm 2013 – 2021, Công ty TNHH Hòa Bình được xếp hạng trong TOP 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; TOP 10 Chủ đầu tư Bất động sản uy tín; đồng thời là một trong số ít những doanh nghiệp đình đám do người Việt Nam sở hữu trên thị trường sản xuất bia và nước ngọt, sở hữu nhà máy sản xuất malt (nguyên liệu làm bia) đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, nhà máy sản xuất nước ngọt với tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, Tập đoàn đang vận hành khách sạn Hồ vàng Giảng Võ (Dolce Hanoi Golden Lake), được tổ chức World Records Union xác nhận kỷ lục, cấp bằng chứng nhận là khách sạn dát vàng sang trọng, có các món ăn ngon nhất thế giới. Tập đoàn cũng là chủ sở hữu của Khách sạn Golden Bay Đà Nẵng với hàng ngàn phòng dát vàng siêu sảng chảnh.

Là một công ty thương binh, ngoài việc tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho xã hội và tạo nhiều việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống cho cán bộ công nhân viên và anh em thương binh, cựu chiến binh trong công ty, Tập đoàn Hòa Bình cũng thường xuyên duy trì các hoạt động thiện nguyện, ủng hộ đồng bào nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn,  đặc biệt là các hoạt động tri ân những người có công... với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Đường nhẩm tính: Năm 2007, Hòa Bình đã xây dựng tặng tỉnh Quảng Trị Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tại thị xã Đông Hà với diện tích 1.000m2. Cũng năm đó, chúng tôi đúc 2 quả chuông, xây 2 tháp chuông lớn tại Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Năm 2008 lại đúc tiếp 1 quả chuông ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Quảng Ngãi. Tới năm 2014, Hòa Bình lại tặng 1 nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ  3 tầng, tổng diện tích sử dụng 3.000 m2 tại Thành cổ Quảng Trị, trị giá 30 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty tổ chức tri ân các vị lão thành cách mạng 70 năm tuổi Đảng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đi tham quan Huế - Hội An - Đà Nẵng, nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao Đà Nẵng Golden Bay, tổng chi phí hơn 500 triệu đồng.

Công ty còn dành nhiều tỷ đồng để tôn tạo các di tích lịch sử như xây dựng đền thờ, đúc chuông, đúc tượng đức Lễ Nghi Học Sỹ Nguyễn Thị Lộ, vợ của danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi; công đức trên 30 quả chuông vào các đền chùa, tôn tạo các di tích văn hóa trong cả nước. Hàng năm, doanh nghiệp còn tổ chức cho cán bộ công nhân viên và cựu chiến binh của Công ty đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ và chiến trường xưa; thăm và tặng quà, trang thiết bị Tivi cho Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Thuận Thành, Kim Bảng, Lạng Giang...; đỡ đầu và chăm sóc các mẹ liệt sĩ già yếu, ốm đau, các đồng chí thương binh thương tật nặng (mỗi gia đình 1 triệu đồng/tháng).

Những việc làm nghĩa tình của Tập đoàn Hòa Bình và cá nhân ông Nguyễn Hữu Đường với những người đã cống hiến, hy sinh cho đất nước thật là trân quý, nhưng vị doanh nhân cựu chiến binh vẫn luôn tâm niệm: “Những việc làm của chúng tôi thực ra cũng không là gì so với những hy sinh xương máu của biết bao nhiêu người cho hôm nay. Vì thế, làm gì thì làm, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm trong lòng, không bao giờ được quên nguồn cội, quên sự hy sinh của những đồng đội và những thế hệ đi trước. Điều đó luôn khiến tôi trăn trở, thúc giục mình phải làm gì để xứng đáng hơn, để có thể cống hiến cho đất nước nhiều hơn”.

 

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh