THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:17

Gắn với nghề là để tri ân

Giải quyết chính sách bằng sự thấu hiểu

Ông Mười kể: “Gắn với nghề, đặc biệt là lĩnh vực NCC với tôi cũng là một duyên số. Năm 1983, tôi thi đỗ trường Đại học Hàng hải, nhưng ngày ấy thông tin liên lạc còn khó khăn, giấy báo đỗ đại học khi về đến nơi thì quá muộn nên không thể nhập trường. Sau đó tôi học ở Trường trung cấp Bảo trợ xã hội của Bộ Thương binh – Xã hội (nay là Bộ LĐ-TB&XH). Tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường, tháng 6/1986 tôi về công tác tại Phòng Thương binh – Liệt sĩ huyện Hà Trung và gắn với công tác NCC từ đó”.

Ông Đỗ Văn Mười

 

Ngày đầu mới về công việc còn bỡ ngỡ, nhưng khi tiếp xúc, gắn bó với NCC thì mới thấy được họ là những con người tình cảm. Có lẽ vì một vài lý do nào đó mà bản thân NCC hay thân nhân họ bức xúc. Nhưng khi họ gặp gỡ, chia sẻ, mình giải thích mà họ thấu hiểu rồi thì việc giải quyết công việc nó dễ dàng hơn. Mỗi khi giúp được một NCC, hướng dẫn họ hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thì trong lòng cảm thấy vui, phấn khởi. Trong công việc, khi tham mưu được cho mỗi địa phương, mỗi xã đầu tư xây dựng được khu nghĩa trang khang trang hơn, thâm tâm mình như nhẹ hơn rất nhiều, cảm thấy có một phần nhỏ tri ân của mình trong đó.

 “Bản thân mỗi NCC luôn có niềm kiêu hãnh, tự hào riêng. Họ chỉ bức xúc khi tuyến huyện, tuyến xã giải quyết chưa thấu đáo. Người hiểu được là một nhẽ, có những người chưa hiểu hết chính sách, chưa đủ điều kiện để được nhà nước công nhận nên dễ gây áp lực, chửi bới, lăng mạ. Trong suốt những năm công tác, đến giờ tôi vẫn còn nhớ nhất một kỷ niệm vào năm 2015, khi đó một đối tượng do không đủ hồ sơ, thủ tục, căn cứ pháp lý để làm chế độ nhưng vẫn gửi đơn ra tòa kiện để đòi chính sách. Khi ra tòa xử, do đối tượng không chứng minh được đầy đủ căn cứ, hồ sơ nên Sở cũng không thể giải quyết chính sách cho họ được…”- ông Mười nhớ lại.

Tận tụy với nghề

Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Toàn tỉnh hiện có trên 700 ngàn thanh niên tham gia lực lượng quân đội, trên 70 ngàn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, số lượng NCC với cách mạng lớn, với gần 1.200 cán bộ Lão thành cách mạng, trên 500 cán bộ Tiền khởi nghĩa, trên 300 người là ân nhân cách mạng, trên 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 6 vạn liệt sỹ, trên 46 ngàn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 15 ngàn bệnh binh (trong đó trên 1.400 thương, bệnh binh nặng có tỷ lệ MSLĐ 81% do thương tật). Có 4.208 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 14.570 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, trên 100 anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động, người hoạt động kháng chiến giải  phóng dân tộc trên 400 ngàn người, tỷ lệ bình quân cứ 10 người dân có 1 người có công.

Ông Đỗ Văn Mười (ngoài cùng bên trái) cũng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

 

Để giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, trong những năm qua, ngành LĐ – TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực không ngừng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao đó là làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC.

Trong suốt hơn 30 năm gắn với nghề ông Mười luôn trăn trở: “Với những NCC thực sự, họ xứng đáng được hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước. Mình làm mảng chính sách thì phải có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn họ để họ hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục để Nhà nước công nhận. Mỗi lần đến thăm, thấy cuộc sống của NCC ngày càng tăng, sức khỏe họ được chăm sóc tốt hơn thì bản thân cũng thấy sung sướng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số đối tượng NCC mà chưa được nhà nước công nhận bởi họ không còn giấy tờ, thủ tục chứng minh. Mặc dù Chính phủ, liên Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng vẫn khó khăn cho việc xử lý. Nếu căn cứ việc hai người làm chứng thì xử lý khó, chính quyền địa phương cũng không có căn cứ để xác định bởi cán bộ hầu hết là trẻ. Thanh Hóa hiện còn gần 2.000 trường hợp trước đây giám định có tỷ lệ thương tật thấp từ 5-20% có hồ sơ gốc, nhiều người vết thương tái phát nhưng theo quy định thì không được giám định lại, đó cũng là một thiệt thòi cho các đối tượng. Tỉnh đã đề nghị nhưng hiện tại vẫn chưa được đáp ứng….”

Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

 

Chia tay anh, người cán bộ suốt  hơn 30 năm cống hiến và tận tuỵ với nghề, với ngành LĐ,TB&XH. Những những trăn trở, nỗi canh cánh trong lòng, những tâm nguyện vẫn chưa thực hiện được đối với NCC theo ông suốt chặng đường dài công tác. Mong rằng trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục cống hiến hết mình hơn nữa cho sự nghiệp của ngành, chăm sóc, phụng dưỡng, và tri ân với các TBB, các gia đình liệt sĩ, NCC… như ông hằng mong muốn.

ANH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh