THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:36

Gắn kết trường nghề và doanh nghiệp

 

Kiến thức nhân đôi

“Sự phối hợp giữa trường nghề và doanh nghiệp - yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công trong đào tạo nghề tại CHLB Đức…” là lời giới thiệu đầu tiên của giới chuyên môn về Chương trình đào tạo thí điểm nghề Kỹ thuật viên Thoát nước và Xử lý nước thải định hướng theo tiêu chuẩn Đức.

Năm 2013, thấy rõ những lợi ích cả về kinh tế, xã hội của việc phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề; đồng thời, trước nhu cầu về đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao làm việc tại các công ty xử lý nước thải liên tục tăng cao… Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã được các công ty thành viên đề xuất và công nhận là đầu mối trung tâm để gắn kết doanh nghiệp với trường nghề trong đào tạo chính quy cũng như tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp. Cũng tại thời điểm này, Chương trình đào tạo thí điểm nghề Kỹ thuật viên Thoát nước và Xử lý nước thải định hướng theo tiêu chuẩn Đức với 22 sinh viên được đồng triển khai tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cùng 5 doanh nghiệp thoát và xử lý nước thải tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu. Chương trình nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Việt - Đức đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam, triển khai bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ).

Với các trang thiết bị hiện đại, học viên tại Lilama 2 được đào tạo bài bản,
nắm bắt kịp thời các công nghệ mới 


Tham gia mô hình, học viên được trang bị kiến thức lý thuyết nền tảng tại trường nghề và thu thập kinh nghiệm làm việc thực tế qua các kỳ đào tạo tại doanh nghiệp. Kết quả, sau 3 năm học với phần lớn thời gian thực hành tại doanh nghiệp như một công nhân thực thụ, 22 học viên hoàn toàn “lột xác” cả về tác phong, lề lối, kỷ luật và đặc biệt là kỹ năng nghề. Các học viên cho biết, họ đã tham gia xử lý trực tiếp các nguồn nước thải và nước bị ô nhiễm cùng với các công nhân tại doanh nghiệp ngay từ học kỳ đầu tiên. Điều đó không chỉ gây hứng thú, kích thích sự tìm tòi, khám phá của mỗi cá nhân mà còn giúp học viên tích lũy vô số kinh nghiệm quý từ chính những người thợ lành nghề.

Doanh nghiệp - nòng cốt của đổi mới

Theo PGS.TS. Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, sự tham gia chủ động của khối doanh nghiệp vào đào tạo nghề đóng vai trò cốt yếu trong đổi mới đào tạo nghề theo hướng bám sát thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, bảo đảm cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo chính quy nghề “Kỹ thuật viên Thoát nước và Xử lý nước thải” là chương trình đầu tiên triển khai thành công mô hình đào tạo hợp tác giữa một trường nghề, hiệp hội ngành và khối doanh nghiệp khi cùng nhau xây dựng và thực hiện một chương trình đào tạo nghề.

 Nhằm bảo đảm chất lượng của chương trình đào tạo theo mô hình mới, từ năm 2014, đội ngũ 25 giảng viên trường nghề và cán bộ đào tạo của doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình đào tạo nâng cao năng lực định hướng thực tế, bao gồm nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy do các chuyên gia Đức giàu kinh nghiệm thực hiện.

Đối với công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngắn hạn cho lực lượng công nhân kỹ thuật đang làm việc tại các công ty xử lý nước thải, Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam đã chuyển giao cho Hội Cấp thoát nước Việt Nam bản quyền chương trình và tài liệu đào tạo của 7 khóa học ngắn hạn được đánh giá cao tại Đức. Đồng thời, hỗ trợ Hội Cấp thoát nước Việt Nam chỉnh sửa bộ tài liệu cho phù hợp với điều kiện đặc thù về kỹ thuật, khí hậu và pháp lý tại Việt Nam. Ngoài ra, Hội Cấp thoát nước Việt Nam vừa mới tiếp nhận 11/25 giáo viên và cán bộ đào tạo đã tham gia chương trình chuẩn hóa của Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam nêu trên vào đội ngũ giảng viên của mình.

Công nhân lành nghề - trái tim của doanh nghiệp

Từ góc độ của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Nước - Môi Trường tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Thiền cho rằng, lực lượng công nhân kỹ thuật là trái tim của doanh nghiệp. “Chúng tôi nhận định rõ việc phát triển, bồi dưỡng năng lực cho nhân viên là nhiệm vụ chiến lược và sẵn sàng đầu tư cho các hoạt động này. Hy vọng các khóa học chính quy và ngắn hạn theo mô hình mới sẽ giúp chúng tôi xây dựng được một lực lượng kỹ thuật viên lành nghề” - ông Thiền nói.

Nhìn lại quá trình triển khai Chương trình có thể thấy, đây chính là “lò luyện” của thợ lành nghề. Sự kết hợp của đội ngũ giảng viên được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Đức và nội dung đào tạo đã thực nghiệm thành công tại Đức trong suốt 20 năm qua, các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn do Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng một đội ngũ công nhân kỹ thuật vững chuyên môn và thạo tay nghề để có thể thực hiện công tác vận hành đạt chuẩn, an toàn và hiệu quả.

Ông Peter Wunsch đến từ GIZ trình bày mô hình “đào tạo nghề đồng hành cùng doanh nghiệp” tại buổi hội thảo.


Nhìn rộng ra, mô hình đào tạo hợp tác giữa trường nghề và doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng cung cấp lực lượng lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về kỹ thuật viên giỏi của các công ty trong và ngoài nước. Vì thế, sự tham gia của khối doanh nghiệp vào công tác đào tạo nghề ngày càng trở nên quan trọng và thiết yếu. Chỉ khi các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn và chủ động hơn vào công tác đào tạo nghề thì mới có thể xây dựng một lực lượng công nhân kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu thực tế của chính các doanh nghiệp, tạo ra việc làm và cuộc sống bền vững cho người lao động cũng như cơ hội để họ đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh