Trường nghề: Thực sự là điểm đến lý tưởng
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:25 - 03/01/2017
Chọn nghề phù hợp là quan trọng
Năm 2014, chàng sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Văn Long đoạt Huy chương Vàng nghề Tự động hóa công nghiệp tại “đấu trường” tay nghề ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên, một công dân của vùng đất học xã Nghi Công, Nghi Lộc, Nghệ An bứt phá thành công bằng “con đường trường nghề”. Sự kiện này còn mở ra bước ngoặt mới trong tư duy của những người dân Nghi Công về việc chọn một việc làm phù hợp để cống hiến, để mưu sinh quan trọng hơn một tấm bằng đại học để “treo”. Tư duy này càng được khẳng định rõ hơn khi Nguyễn Văn Thiết, em ruột của Nguyễn Văn Long, tiếp bước anh trai mang về tấm Huy chương Vàng cho nghề Tự động hóa Công nghiệp tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN năm 2016.
Giờ học thực hành tại Học viện điện khí Matsunhita thuộc C.ty Panasonic KCN Bắc Thăng Long Hà Nội.
Nguyễn Văn Thiết kể rằng, nhờ anh trai “mở đường” thành công nên đến khi Thiết chọn học nghề đã không gặp phải bất cứ phản ứng nào của bố, mẹ. Sẵn kinh nghiệm của anh truyền lại, cộng thêm sự tận tình của các thầy cô trong trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, Thiết đã lao vào học với những nỗ lực không ngừng nghỉ. Với tấm Huy chương Vàng vừa qua, tay nghề của Thiết đã được 11 nước trong khu vực ASEAN công nhận. Từ đây “cơ hội để em có một việc làm tốt không còn bó hẹp trong không gian của một xã nghèo hay một huyện, một tỉnh, mà đã vươn ra tất cả các nước trong khu vực”, Nguyễn Văn Thiết tự tin khẳng định.
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Thiết cho biết “có thể em sẽ được giữ lại trường để phục vụ việc giảng dạy, nên em sẽ cố gắng để lấp đầy khoảng trống về ngoại ngữ, các kỹ năng mềm… để không chỉ là một người truyền nghề giỏi mà còn là một kỹ sư có thứ hạng”.
Thành công của Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Thiết và của nhiều học sinh trường nghề khác đã thực sự lan tỏa và góp phần thay đổi nhận thức, quan điểm của giới trẻ trong việc lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp phổ thông. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người tìm đến với trường nghề, thậm chí bỏ cả đại học để “đầu quân” cho trường nghề. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều phụ huynh, thậm chí cả cơ quan, doanh nghiệp vẫn coi trọng bằng cấp hơn là “tay nghề” thực sự khi tuyển dụng lao động.
20% không thi đại học - dấu hiệu khởi sắc của dạy nghề!
Một trong những tiêu chí để đánh giá dạy nghề có khởi sắc hay không là vấn đề tuyển sinh. Vài năm gần đây, toàn bộ hệ thống các trường nghề mỗi năm tuyển được khoảng 200.000 học viên. Số lượng này đạt khoảng 80% chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường nghề thường tuyển học viên sau mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng; nghĩa là trường nghề chỉ tuyển được những người trượt đại học.
Những năm gần đây thì khác. Bộ GD-ĐT thông báo: Khoảng 20% số người tốt nghiệp trung học phổ thông trong các năm qua không dự thi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nghĩa là đã có hàng trăm ngàn người chủ động chọn các trường nghề làm đích đến tiếp theo sau 12 năm học phổ thông. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, ngân sách nhà nước dành cho đào tạo nghề là 0,5% GDP, trong khi các nước EU là 1,1%. Tại Đức, nước có nền công nghiệp phát triển nhất nhì châu Âu cũng có đến 80% người học nghề còn Việt Nam gần như ngược lại. Đơn cử, hệ thống đào tạo đại học hiện có hơn 410 trường (chưa tính các trường đại học trong đại học quốc gia, đại học vùng), gấp hơn 3 lần các trường cao đẳng nghề.
Chia sẻ thêm về những nghịch lý trong đào tạo nghề, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề chất lượng cao Hà Nội cho biết, do vận động của xã hội khiến việc học nghề thời gian qua không được coi trọng. Nhiều cơ quan tuyển dụng lao động yêu cầu trình độ đại học mà không cần biết trình độ đó có đáp ứng vị trí tuyển dụng hay không. Bên cạnh đó, tư tưởng có bằng đại học là niềm tự hào vẫn đang khá phổ biến ở các ông bố bà mẹ, thậm chí là cả dòng họ. Vì thế, vị thế của đào tạo nghề chưa được coi trọng, nhiều người coi học nghề là lựa chọn cuối cùng.
TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề chất lượng cao Hà Nội, xem các thí sinh dự thi tay nghề quốc gia ( môn Tự động hóa Công nghiệp ).
Trước thực tế này, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội đã quyết định lựa chọn hướng đi không chú trọng số lượng mà chú trọng chất lượng đào tạo; đi tiên phong trong đào tạo nghề chất lượng cao và giải quyết việc làm, trong đó có đào tạo xuất khẩu lao động kỹ thuật sang thị trường Nhật Bản. Ông Khánh cho rằng, để trường nghề thực sự là điểm đến lý tưởng của lớp trẻ thì cần phải coi cơ sở đào tạo là doanh nghiệp, sinh viên là sản phẩm. Khi nào sản phẩm có thể thương mại được thì đào tạo mới có hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng góp chi phí đào tạo cho cơ sở đào tạo. Nhưng để có thể thương mại được thì sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp về cả số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề.
Quyết định 630 QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng về chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 xác định, đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, bảo đảm an sinh xã hội. Quyết định nêu rõ 9 giải pháp phát triển dạy nghề, trong đó đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề; gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; huy động nguồn lực đầu tư cho dạy nghề; nâng cao nhận thức về phát triển dạy nghề; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề... là những ưu tiên hàng đầu. |