THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:27

Gắn kết “cung - cầu” trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao

 

Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” sẽ là một diễn đàn mở, để trao đổi về thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực ICT.

 

Ngày 30/3/3019, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Km 10, Đường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Hà Nội, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm và Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục ĐH - doanh nghiệp”.

Tọa đàm có sự tham gia của gần 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo T.Ư, Uỷ Ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội; Bộ KH&ĐT; Bộ LĐ-TB&XH; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; đại diện một số Sở GD&ĐT, Sở TTTT; hơn 100 trường ĐH có đào tạo ngành thuộc lĩnh vực ICT, nhiều doanh nghiệp sử dụng nhân lực ICT, Hiệp hội CNTT; sinh viên đến từ một số trường ĐH và học sinh đến từ một số trường THPT TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, trong đó lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng. Ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD và xấp xỉ 1 triệu lao động tri thức.

Ban tổ chức cho biết: Tọa đàm sẽ là một diễn đàn mở, để trao đổi về thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong ngành ICT và thực trạng về sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2020, định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030 trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Giải pháp, cơ chế chính sách để gắn kết cung - cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao; đề xuất cụ thể về mô hình hợp tác doanh nghiệp – nhà trường – sinh viên trong nghiên cứu, đào tạo và tìm kiếm việc làm của sinh viên chuyên ngành ICT.

Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở GDĐH và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ICT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nâng cao nhận thức của các bên về gắn kết ung - cầu trong việc phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Chương trình Tọa đàm có 4 tham luận, được trình bày bởi các diễn giả đến từ Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Hội Tin học TP Hồ Chí Minh và Công ty Samsung Việt Nam. Sau đó là hai phiên thảo luận cụ thể về: “Giải pháp về cơ chế chính sách để gắn kết cung cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao”, với sự tham gia các diễn giả đến từ Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH RMIT, Câu lạc Bộ Khoa Trường Viện CNTT-TT Việt Nam, Công ty cổ phần phần mềm FPT Software, đại diện Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT và các đại biểu tham dự toạ đàm.

“Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao” với sự tham gia của đại diện Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech), Trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn CMC, Công ty khởi nghiệp GotIt, đại diện Bộ TT&TT và các đại biểu tham dự toạ đàm.

Theo ban tổ chức, những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ được tổng hợp, tiếp thu, tham khảo trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tăng cường kết nối cung cầu, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan về nguồn nhân lực ICT.

Trong khuôn khổ sự kiện, Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa một số cơ sở GDĐH với đối tác doanh nghiệp ICT cũng được tổ chức.

Song song với Tọa đàm, Triển lãm cùng tên với sự tham gia của 15 trường ĐH và 10 doanh nghiệp ICT lớn sẽ diễn ra trong cả ngày 30/3/2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với các trường ĐH, với học sinh, sinh viên về công nghệ, sản phẩm, tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng, các cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên khi tốt nghiệp các ngành  ICT. Đồng thời, cũng là dịp để các trường ĐH có cơ hội giới thiệu với nhà tuyển dụng, với người học về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như những thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh, về các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực ICT, hỗ trợ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh…

 

4 báo cáo chính tại Tọa đàm

Báo cáo tham luận "Kết nối cung-cầu nhân lực trong kỷ nguyên số: Thực trạng và xu thế", do PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Phát triển nguồn nhân lực ICT chất lượng cao trong bối cảnh 4.0” trình bày.

Báo cáo tham luận "Hợp tác giữa cơ sở GDĐH và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao - Thực trạng và kỳ vọng", do PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trình bày.

Báo cáo tham luận “Nhu cầu nguồn nhân lực ICT trình độ cao và thực trạng, khả năng kết nối doanh nghiệp – cơ sở GDĐH”,  do ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) trình bày.

Báo cáo tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp – cơ sở GDĐH”, do Lãnh đạo Tập đoàn Samsung Việt Nam trình bày.

HÒA CÙ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh