CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:01

Ngành Công nghệ thông tin: Thiếu nhân lực giỏi

Thiếu nhân lực giỏi

Nhân lực của ngành CNTT dù thiếu trầm trọng, nhưng cơ hội việc làm lại không dễ dàng cho tất cả mọi người. Chỉ bằng một bài test đơn giản, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được năng lực thực tế để quyết định có tuyển hay không.

Phần lớn kỹ sư ngành CNTT hiện nay đang thiếu các kỹ năng cần thiết như: kiến thức và khả năng lập trình, tiếp cận công nghệ mới, ngoại ngữ...

Do đó, hàng năm số lượng lao động của ngành phải chuyển nghề, làm không đúng nghề, hoặc không xin được việc rất nhiều. Điều này dẫn đến thực trạng, thiếu trầm trọng những kỹ sư giỏi.

Một cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ nhân lực CNTT trình độ ngoại ngữ khá, giỏi chỉ chiếm 59%, điều này ảnh hưởng đến việc đưa lao động đi đào tạo nâng cao ở nước ngoài, ngoại ngữ kém cũng gây cản trở cho việc tiếp cận công nghệ mới vốn thay đổi từng ngày.

Ngay như FPT Sftware, một Cty lớn, có thu nhập hấp dẫn, là ước mơ được vào làm việc của nhiều người, năm 2013, Cty này cần tuyển 2000 nhân sự, tuy nhiên vẫn không tuyển đủ số lượng. Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số, Bộ TT&TT nhận định: “Nguồn nhân lực ngành CNTT không những là mối quan tâm của các đơn vị tuyển dụng trong nước, mà còn được các Cty nước ngoài săn đón.

Hiện nay số kỹ sư, lập trình viên đạt yêu cầu không đủ đáp ứng. Sự thiếu hụt càng lớn khi CNTT ngày càng phát triển, dẫn đến việc tăng trưởng không ngừng về nhu cầu nhân lực trong ngành này. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang ráo riết tuyển dụng, chi trả với mức lương cao đến 2.000 USD/tháng cho một kỹ sư phần mềm, tuy nhiên để tuyển được kỹ sư đủ năng lực làm việc không hề đơn giản”.

Kỹ sư CNTT của Tập đoàn Intel Việt Nam.

Theo thống kê hiện nay cả nước có khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về CNTT, ngay cả khi đưa chỉ tiêu tuyển sinh với quy mô đào tạo tăng 10% mỗi năm, Bộ TT&TT vẫn dự báo nguy cơ thiếu nhân lực CNTT trầm trọng trong những năm tới.

Theo “Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020”, đến năm 2015 các trường đại học đào tạo CNTT ở Việt Nam sẽ đạt chuẩn của khu vực ASEAN, năm 2020, 80% sinh viên ra trường sẽ đủ năng lực tham gia thị trường nhân lực toàn cầu.

Đừng để những cơ hội lớn trôi đi

Theo kế hoạch năm 2015, Việt Nam phấn đấu đạt mức 30% sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp đủ khả năng tham gia thị trường lao động quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù tăng chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào, thì số lượng học viên theo ngành này đang ít đi. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai đề án trở thành quốc gia mạnh về CNTT và truyền thông. Ông Đoàn Quang Hoan nhận định: “Dự báo thiếu hụt nhân lực ngành này và chất lượng giảm sút trong khoảng 5 năm tới là không tránh khỏi”.

Việc thiếu nhân lực chất lượng cao đã làm nảy sinh việc cạnh tranh kém lành mạnh, tiêu cực trong ngành vốn đòi hỏi kỹ thuật và sáng tạo cao. Các doanh nghiệp trong nước phải tìm cách lôi kéo kỹ sư CNTT ở các Cty khác bằng các hình thức như: Thù lao, chế độ lương thưởng cao để hút thêm nhân lực cho mình.

Đấy là chưa kể, tình trạng thiếu nhân lực ngành này, cùng với trình độ chuyên ngành kỹ sư CNTT còn hạn chế, kéo theo ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng các ngành liên quan. Nghịch lý cung nhiều, cầu lớn song chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế đang khiến các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vất vả  chấp nhận một thực tế phải đào tạo lại kỹ sư sau khi tuyển dụng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Chất lượng nguồn nhân lực CNTT là điều đã được cảnh báo từ khá lâu. Sự vất vả của các Cty, doanh nghiệp CNTT, đặc biệt với các doanh nghiệp phần mềm cần đội ngũ nhân lực tốt, đã được cảnh báo từ nhiều năm trước.

Giải quyết bài toán nhân lực ngành này không chỉ phó mặc cho Cty, doanh nghiệp, mà vai trò của các bộ, ngành là rất lớn. Nếu Chính phủ không khẩn trương trong việc thực thi các chính sách đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành này, nhất là lĩnh vực phần mềm, rất có thể những cơ hội lớn lại trôi đi, Việt Nam tiếp tục tụt hạng trên bảng xếp hạng công nghệ thế giới”.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh